Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Sunday, August 21, 2005

Đức Giêsu là gì đối với ta?

Nguyễn Chính Kết


1. Những gì mình nghe nói và những gì chính mình nhận định

Một bà mẹ nghe chị hàng xóm nói về con mình, chị khen nó đủ mọi mặt như một đứa trẻ thật gương mẫu. Bà mẹ nhận ra trong những lời khen ấy có những lời đúng, có những lời quá đáng, và có những lời hoàn toàn sai sự thật. Bà có nhận định riêng của mình về con bà. Cùng nhìn về một đứa trẻ, nhưng hai người có hai nhận định khác nhau. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi các môn đệ mình hai câu hỏi khác nhau về Ngài: «Người ta nói Con Người là ai?», và «Anh em bảo Thầy là ai?» Hai câu hỏi ấy là hai câu hỏi mà Ngài muốn mỗi người chúng ta trả lời.

Câu hỏi thứ nhất có thể diễn dịch lại cách mới mẻ cho phù hợp với các Kitô hữu thời nay như sau: «Anh chị đã học hỏi những gì về Thầy? Các linh mục hay các giáo lý viên đã dạy anh chị về Thầy thế nào?» Với những người đã học thần học ở trường lớp, câu hỏi có thể là: «Các tín điều trong Giáo Hội hay môn Kitô học đã xác định về Thầy thế nào?» Để trả lời câu hỏi này, ta có thể trả lời theo kiểu trả bài những gì ta đã học được về Ngài, một cách thật khách quan, không có ý kiến hay cảm nghĩ gì của ta cả. Câu trả lời này hoàn toàn lý thuyết, nó không trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của ta hoặc làm ta thay đổi bao nhiêu.

Câu hỏi thứ hai có thể diễn dịch lại cách mới mẻ cho ta như sau: «Anh chị nghĩ gì và quan niệm thế nào về Thầy? Thầy là gì của anh chị? Thầy có đóng một vai trò gì trong cuộc đời anh chị không? Vai trò đó thế nào? Đối với anh chị, Thầy là một nhân vật lịch sử trong quá khứ hay là một nhân vật đang sống trong hiện tại? Đối với anh chị, Thầy đang chủ yếu sống ở trên trời, trong nhà thờ, hay trong chính bản thân anh chị? Muốn gặp Thầy thì anh chị gặp ở đâu?» Để trả lời câu hỏi này, ta phải xét lại quan niệm thật sự của chính ta về Ngài, thái độ, cách sống và cách xử sự thực tế của ta đối với Ngài, chứ không thể trả lời cách lý thuyết được. Câu trả lời này ảnh hưởng mạnh mẽ và là phản ảnh chính xác đời sống tâm linh của ta.

2. Đức Giêsu là gì của ta?

Nếu Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, đã đến trong quá khứ của lịch sử nhân loại, cách đây 2000 năm, thì cho dù Ngài là ai, là Con Thiên Chúa, là ân nhân vĩ đại nhất của nhân loại, v.v… Ngài cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta bao nhiêu. Cho dù ta có hiểu rõ từng chi tiết cuộc đời Ngài, từng quan niệm, từng tư tưởng của Ngài, thì Ngài vẫn là một người xa lạ đối với ta, sống khác thời với ta. Nếu Ngài chỉ là một người hiện vẫn đang sống, nhưng chỉ sống ở trên trời cùng với Thiên Chúa Cha, với các thiên thần và các thánh, thì quả thật ta không dễ gì mà gặp Ngài. Nếu Ngài chỉ hiện diện trong nhà tạm, trên bàn thờ, trong hình bánh rượu của phép Thánh Thể, thì ta có thể gặp Ngài mỗi khi ta đến nhà thờ để cầu nguyện, để dâng thánh lễ; và Ngài có thể ngự vào lòng ta trong chốc lát khi ta rước lễ; ngoài ra, Ngài vẫn là người ở bên ngoài ta.

Hay Ngài là một người rất thân thiết với ta, hơn cả những người thân yêu nhất của ta, hiện diện ngay trong bản thân ta, và là phần quan trọng nhất của bản thân ta? Ta có thể nói như thánh Âu Tinh: Ngài còn «thân thiết với tôi hơn cả chính tôi thân thiết với tôi nữa»? hay như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20)?

Đức Giêsu là gì đối với ta, điều đó tùy thuộc một phần vào những gì ta nghe nói hay học hỏi về Ngài, và phần khác vào sự dấn thân của ta cho Ngài sau khi đã được nghe nói về Ngài. Chỉ sau khi dấn thân theo những lời mời gọi mà ta nghe được từ sâu thẳm lòng mình của Ngài, ta mới cảm nghiệm được Ngài thật sự sống động và ở ngay trong bản thân ta, làm nên phần bản thể cao quý nhất và thâm sâu nhất của ta. Ngài đã ở trong ta, và làm nên phần thiêng liêng cao quý nhất của ta trước khi ta nghe nói hay biết đến Ngài. Câu trả lời thứ hai này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm linh ta.

3. Đời sống tâm linh của ta tùy thuộc ta trả lời thế nào cho câu hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?»

Ta quyết định cho Ngài là gì đối với ta, điều đó tùy thuộc vào tự do của ta, thứ tự do mà Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng. Nhưng câu trả lời cho câu hỏi «Ngài là gì đối với ta?» quyết định tính chất đời sống tâm linh của ta. Nếu ta cho rằng Ngài là đối tượng cao quí nhất trên đời, hơn tất cả bất kỳ những gì còn lại – hơn cả cha mẹ, người yêu, tiền bạc, của cải, sự nghiệp, quyền lực – và ta sẵn sàng hy sinh tất cả để có được Ngài, để đạt được ngài, thì thái độ tự nhiên và tất yếu của ta sẽ là sẵn sàng hy sinh tất cả để có Ngài. Tương tự như người đi tìm ngọc quý, khi tìm được, anh về bán hết tất cả mọi thứ mình có để mua cho bằng được viên ngọc ấy (x. Mt 13,45-46), vì anh cho rằng viên ngọc ấy quý giá gấp bội gia tài anh đang có.

Vấn đề quan trọng là phải xác định tại sao Đức Giêsu lại quý giá đối với ta đến nỗi ta nên sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được Ngài? Đạt được Ngài thì ta được gì? – Ngài chính là phần cao quý nhất, thiêng liêng và thâm sâu nhất của chính bản thân ta. Ngài chính là món quà quí báu nhất mà Thiên Chúa ban cho ta, là phần quan trọng làm nên yếu tính của ta, nhờ đó ta được «được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Ngài chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong bản thân ta, là sức mạnh, là tình yêu, là sự sống của ta. Vì thế, khi ta «có» Ngài nhờ thái độ sẵn sàng hy sinh tất cả để được Ngài, thì ta trở nên «đồng hình đồng dạng» với Ngài (Rm 8,29; Pl 3,10), nghĩa là tràn đầy yêu thương, sức sống và sức mạnh. Nhờ đó ta được giải phóng khỏi cảnh nô lệ cho chính bản thân ta, cho tính ích kỷ, cũng là nô lệ cho tội lỗi, để sống vị tha (vì Thiên Chúa và vì tha nhân), để luôn yêu thương và luôn quan tâm đến hạnh phúc của mọi người.

Món quà quý báu mà Thiên Chúa ban cho ta – là Đức Giêsu hay sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong ta – vốn đã sẵn có trong bản chất của ta, nhưng ta không hề biết, hay chỉ biết một cách lý thuyết. Vì thế, ta không có sức mạnh và tình yêu đúng như ta phải có. Đức Giêsu ở trong ta dường như ở trong tình trạng ngủ say tương tự như khi Ngài ngủ trong thuyền của các môn đệ giữa cơn bão biển gầm thét, đe dọa (x. Mc 4,35-41). Có Ngài ở trong ta, nhưng Ngài chẳng tác động gì cả, chẳng khác gì Ngài vắng mặt. Tại sao? Vì đối với câu hỏi «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» ta chỉ biết trả lời cách máy móc những gì ta học được về Đức Giêsu từ Giáo Hội. Trong khi đó, cách sống thực tế của ta thì trả lời ngược lại: Ngài dường như chẳng là cái thá gì đối với ta cả, ta vẫn coi rất nhiều thứ khác trọng hơn Ngài và trọng hơn nhiều. Ta vẫn coi «cái tôi» của ta quan trọng hơn Ngài nhiều, coi ý muốn của ta quan trọng hơn ý muốn Ngài rất nhiều. Như vậy Ngài chẳng là gì đối với ta cả! Vì thế, Ngài ở trong ta mà vẫn như người ngủ quá say, ta vẫn yếu đuối, vẫn thấp hèn, chẳng hơn gì những kẻ không tin.

span style="color:blue">Ngài chỉ trở nên sống động và đem lại sức mạnh, tình yêu, bình an, hạnh phúc cho ta khi nào ta thật sự coi Ngài là Chúa Tể của lòng ta, là lẽ sống của ta, là cái quí giá nhất ở trong ta. Ngài chỉ có thể tác động mạnh mẽ trong ta khi ta coi Ngài hơn tất cả mọi thứ trên đời, hơn chính bản thân ta, coi ý Ngài hơn ý ta, và toàn con người của ta bị Ngài thu hút thật sự. Chỉ khi ấy, ta mới nhận ra sức mạnh của Ngài ở trong ta thật mãnh liệt. Ta hãy thử sống như Ngài là tất cả của ta, là lẽ sống của ta xem, ta sẽ có kinh nghiệm về sức mạnh của Ngài ở trong ta. Và ta sẽ trở thành những viên đá thật sự cho tòa nhà Giáo Hội. Nếu không, dù ta có là người lãnh đạo cao nhất trong Giáo Hội, ta cũng chẳng phải là đá làm nền cho Giáo Hội đâu! Khi ấy, Giáo Hội mà được xây trên ta thì chỉ như xây trên cát thôi!

***

Giáo Hội của Đức Giêsu chỉ có thể được xây dựng vững chắc trên những tâm hồn chọn Ngài là lẽ sống cuộc đời mình, coi Ngài là «viên ngọc» quý giá hơn tất cả mọi thứ của trần gian, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả bản thân, để đạt được «viên ngọc» ấy. Giáo Hội rất cần những Kitô hữu như thế như «những viên đá sống động» (1Pr 2,5) để Giáo Hội xây trên nền tảng đó trở nên vững chắc hơn, không một thế lực nào lay chuyển được. Giáo Hội sở dĩ vững bền đến ngày nay là vì thời nào trong Giáo Hội cũng có những vị thánh, những nhân chứng sống động đã tin vững mạnh vào Đức Giêsu, đã chọn Ngài làm lẽ sống, và đã thật sự sống tinh thần yêu thương theo gương Ngài suốt cuộc đời.
Comments: Post a Comment

<< Trở Về Trang Chính - Home Page
Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?