Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Wednesday, April 27, 2005

Chết là Cuộc Sống Mới

Phải chăng đời người chỉ gói trọn trong hai chữ "Sống và Chết." Thật vậy, con người sinh ra ở đời này không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Vì đã có sinh thì lại có tử, không trước thì sau, không sớm thì muộn, thần chết sẽ đến với ta một cách bất ngờ, đó là định luật của con người. Lối đi một chiều không có ngày trở lại.

Kinh nghiệm cho thấy, từ xa xưa đến nay, không có ai được sống mãi. Vào năm 2002, ông Yukichi Chuganji, người Nhật bản đã mừng ngày sinh nhật thứ 113th; và năm 2003, bà Kamato Hongo cũng ở nhật bản đã được toàn thế giới cho là người sống lâu nhất là 116th tuổi. Hai ông bà này được coi là người đã sống lâu nhất thế giới. Tuy đã được xem là sống lâu nhất, nhưng không thể nói là được sống mãi không bao giờ chết. Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu ai cũng sống mãi mà không chết đi, thì thế giới ngày nay có chỗ đâu cho người ta ở. Chắc gia đình bạn phải xây thêm mấy cái nhà nữa mới đủ. Nhưng thật tế đâu có vậy, từ lúc ông bà tổ Adong Eva phạm tội, con người đã đánh mất đi ơn bất tử trên dương thế. Chính tội đã làm cho bạn và tôi cùng chung một số phận phải chết.

Vào thời cựu ước, Ông Adam sống được 930 tuổi (St 5:5); Sét, con Adam, sống được 912 tuổi (St 5:80); rồi Abraham sống được một trăm bảy mươi lăm tuổi (St 25;7); Bà Sara vợ ông sống được một trăm hai bảy tuổi (St 23:1). Chúng ta không được biết sao những người thời xưa sống được lâu như thế, có lẽ họ tính chu kỳ thời gian một năm hoặc một tháng ít hơn chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, dù sống được bao nhiêu năm đi nữa, rồi cuối cùng cũng lãnh lấy cái chết.

Nhiều người quan niệm rằng, "chết là hết." Thật vậy, khi nhắm xuôi tay, chúng ta không còn gì khác ngoài trừ một cái xác không hồn bất động, một bộ xương khô, rồi cuối cùng trở thành một nắm tro tàn cuốn theo chiều gió. "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro (Kn 3:19)." Cái chết là hết sự đời. Bao nhiêu thành công tiền của, đã một thời vất vả gom góp đều tan theo mây khói. Muốn đem theo cũng chẳng được, nuối tiếc cũng đã muộn màng. Những ý định cho hiện tại, những mộng ước cho tương lại đều trở nên ảo tưởng. Mọi sự ở đời này trở nên vô ích khi thần chết đến viếng thăm.

Vì cùng một quan niệm "chết là hết", nên nhiều người đã không muốn nhắc đến cái chết, không muốn đối diện với thực tại của sự chết. Lúc còn nhỏ, mỗi khi các trẻ con đề cập đến cái chết, thì bố mẹ đều ngăn cấm không được nói. Cách đây khoảng mấy năm về trước, tôi nói đùa với bà cô tôi rằng, "Cháu có một linh tính là chỉ sống đến ba mươi tuổi là hết đời." Bà liền trách thương tôi, "Cháu đừng nói vậy, xuôi xẻo lắm." Tuy là nói vậy, chứ bạn đâu biết là bạn có thể sống đến ngày mai hay không? Có người ra đi rất trẻ mới chỉ có đôi mươi hoặc ba mươi xuân xanh. Lại có người sống đến răng long tóc bạc. Nhưng không ai có thể bảo đảm và biết chắc được cái chết của riêng mình. Chúng ta chỉ biết là một con người sức khõe dồi dào, thì có thể sống lâu hơn một con người đau yếu bệnh tật. Đây là chúng ta không kể đến những tai ương bất ngờ xảy đến.

Lý do người ta không muốn nhắc đến hoặc đối diện với cái chết là vì họ chưa sẵn sàng để ra đi. Họ sợ bỏ lại những người thân yêu, bỏ lại của cải vật chất, sự giàu sang đang được hưởng dùng. Nói cách khác, họ còn lưu luyến những cái tạm bợ ở đời này. Họ ví cái chết như một con dao hai lưỡi vô tình cắt đứt sự quan hệ giữa người với người, giữa người thân yêu đã một thời chung sống. Hơn nữa, sự chết sẽ tướt đoạt đi tất cả những gì họ yêu quý nhất, những gì họ đã bao năm lăn lộn với mồ hôi nước mắt, dầm mưa dãi nắng mà nay chưa được một lần tận hưởng. Nhưng thần chết đâu có thương xót một ai, miễn trừ cho kẻ nào. Từ một ông vua quyền quí cho đến một bác thợ mộc nghèo nàn đều phải bước qua ngưỡng cửa của sự chết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sợ và xa lánh cái chết. Vì có lắm kẻ đã tìm đến cái chết để thoát ly nợ đời; khi phải đối điện với chán chường thất vọng, đau khổ, khó khăn hoặc khủng hoảng tinh thần trong cuộc sống. Cùng đường bí lối, u sầu tuyệt vọng. Họ nghỉ rằng chỉ có cái chết mới là phương dược tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề ngang trái. Chết đi thì còn đâu mà đau khổ, còn đâu mà nợ nần. Mọi đau khổ, lo lắng, phiền não, vương vấn của kiếp người đều tiêu tan theo bụi trần.

Nhưng họ đã lầm to, vì chết chưa phải là hết, vì theo phương diện tôn giáo, thì "chết đi là để bắt đầu một cuộc sống mới."

Đạo Phật quan niệm rằng, "Sau khi chết, nếu khi còn sống ở đời này, người ta ăn ở ngay lành, sống từ bi xã hỷ với mọi người, thì hồn thiêng của họ sẽ được đi về cõi cực lạc." Có thể gọi là Thiên Đàng như đạo Công Giáo. Vì thế, chúng ta thường thấy sau khi người thân chết, người ta hay tung hoặc đốt giấy bạc, vì họ nghĩ rằng, giấy bạc đó có thể trở thành phương tiện sống cho người chết trong cuộc sống mới. Còn những ai sống trong tội lỗi, phụ bạc xa hoa, thì họ sẽ đầu thai thành một con vật hoặc một người khác, để tiếp tục đền tội của mình. Tội nặng thì được đầu thai trong bậc sống thấp hơn, chẳng hạn như con giun con dế; còn tội nhẹ thì được liệt kê vào bậc cao hơn. Ác qủa ác báo. Mọi sự đều được sử phạt tùy theo cách sống của mỗi người.

Riêng đạo Công Giáo, "Mỗi người lãnh nhận một linh hồn bất tử, phần trả công muôn đời cho mình, ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời" (GLCG #1022)

Điều mà nhiều người đang sợ hãi là bốn điều sau cùng của đời người, quen được gọi là "Tứ Chung", Chết, Phán xét, Thiên Đàng, và Hỏa Ngục. Cuộc phán xét sẽ được phân rẻ ra hai loại "Chiên và Dê." Chiên được phân biệt ra hai loại nữa; những người sạch tội, không còn vướng mắc một tí vết nào, thì sẽ được lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời. Theo Giáo Lý Công Giáo, "Thiên đàng dành cho những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa, vì họ thấy Ngài "đúng như Ngài là, mặt giáp mặt" (#1023).

Còn "những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng" (GLCG 1030). Vì thế, ngày nay, nhiều ông bà cha mẹ của chúng ta thường hay xin lễ để cầu nguyện cho những người qúa cố. Nhờ những thánh lễ Misa, để xin Chúa nhân từ xóa hết mọi tội và đưa họ về hưởng phúc trường sinh.

Riêng về Hoả Ngục là nơi dành riêng cho "những ai chết trong tội trọng mà không sám hối và không đón nhận tình thương đầy từ bi của Thiên Chúa. Có nghĩa là sẽ mãi mãi lìa xa Chúa do sự tự do lựa chọn của họ. Họ phạm tội cách nặng nề chống lại Ngài, chống lại tha nhân hoặc chống lại bản thân họ: 'Ai không yêu mến thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình thì nó là tên sát nhân, mà anh chị em biết không một kẻ sát nhân nào có sự sống vĩnh cửu ở trong mình' (1 Ga 3:14-15). Và danh từ "Hoả Ngục" được dùng để chỉ tình trạng ly khai cách chung cuộc khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa và với các thánh trên trời" (GLCG # 1033).

Nếu tin rằng, chết là đi vào một cuộc sống mới, thì cuộc sống ở dương thế này chỉ mới bắt đầu nối tiếp hành trình cho kiếp sau. Vì thế, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình một gói hành trang thật đầy đủ cho cuộc sống mai hậu. Chắc chắn không phải chúng ta sẽ tích lũy cho mình một kho tàng vật chất, như xây nhà lầu sắm xe hơi, hoặc tìm cách xây thêm phòng chứa để dự trữ của cải lương thực. Vì tích lũy mà không dùng được cho cuộc hành trình thì qúa uổng phí. Nhưng chúng ta hãy tích lũy cho mình một kho tàng trên trời, nơi mà mối mọt không thể đục khoét, phong ba bão táp không thể xô gã. Vậy làm sao để sắm cho mình được một kho tàng quí giá thiêng liêng đó?

Thưởng hay phạt là do cách thức sống của chúng ta đối với Thiên Chúa và cư sử với tha nhân khi còn ở tại dương thế này. Theo quyên tắc luân lý, "con người có khuynh hướng thích làm điều thiện, và tránh xa mọi điều xấu." Điều tốt dẫn con người đến sự thiện, và điều xấu đưa con người đến tội lỗi. Sự thiện là phương tiện đưa con người đến sự sống vĩnh cữu để họ hưởng được niềm hạnh phúc cùng với Thiên Chúa. Còn tội đẩy họ đến gần sự chết và bị án phạt đời đời. Vì thế, hãy ăn ngay ở lành, xa tránh các thứ tội lỗi làm mất lòng Chúa, gạt bỏ đi nếp sống bạc bẽo tình người, sống trong xa đoạ ngoan cố không chịu hối cải, khinh thường bỏ bê lệ luật đạo thánh Chúa. Thiên Đàng sẽ có sẵn sàng một chỗ tốt lành ấm áp cho bạn, nếu bạn tôn thờ một Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Trong cuộc sống thường ngày, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét mình, biết lấy ơn báo oán. Được như vậy, bạn sẽ không còn sợ khi thần chết đến hỏi thăm, vì bạn đã sẵn sàng gói hành trang cho cuộc hành trình kế tiếp.

Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Roma, "Không ai được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa" (Rm 14:7-8).
Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Người Khách và Con Tàu

    Chiều đã xuống bên kia rừng. Màu tím loang dần ở chân trời. Thấp thoáng trên những lớp lá già bụi mốc một vài tia nắng cuối. Người khách đứng nhìn lãng đãng, tâm tư dáo dức. Dáng điệu của hắn có nỗi buồn riêng giống như ngọn đồi chiều nay im lìm trong hoàng hôn trước mặt hắn.

    Con đường sắt trầm mặc dài hút mù, bò qua chân đồi, rẽ vào khu rừng thưa rồi đi mãi xa thẳm.

    Trên bến ga nhỏ, người thanh niên không hành lý đứng dựa vào gốc si già. Ðôi mắt dõi nhìn phía xa, tha thiết. Chàng lẩm bẩm:

    -Bao giờ thì tàu sẽ tới?

    Ðêm nay hay đêm mai?

    Hôm nay hay còn lâu?

    Những sợi nắng cuối đang tan. Sân ga cô độc. Chàng chờ đợi một mình. Bụi lau lưa thưa ngả nghiêng mệt mỏi. Một vài làn gió xuống theo triền đồi đưa những chiếc lá úa lìa cành, như những cuộc đời lẻ loi đang lặng lẽ giã từ cuộc sống. Trên khu đồi lam xám, những cánh chim đêm bay về phía bắc.

    Bên bờ đá, chàng ngồi chống khuỷu tay lên đầu gối. Gương mặt lúc nào cũng nghĩ ngợi. Vài bóng chuồn chuồn bay lượn lờ, rồi cũng bỏ lại sân ga, buông cánh vào một không gian xạm tối.

    Ðôi mắt băng khoăn nhìn về phía cuối rừng, nơi tuyến đường đi qua, chỗ mà con tầu sẽ tới. Ðôi lúc hắn lững thững trên bến ga nhỏ, nhưng rồi lại trở về bờ đá, ngồi đợi chờ.

    Hắn từ đâu đến? Chẳng ai biết. Người ta chỉ đoán được rằng, chắc hắn đã về từ phía thành phố. Hắn có vẻ thư sinh, ngoài phía cuối rừng hắn hay trầm ngâm nhìn về phía tây, nơi ánh điện tỏa sáng. Hắn nhìn nhiều lần, lần nào cũng kết thúc bằng một cái quay mặt, như nuối tiếc nơi vừa bỏ đi mà vẫn cương quyết chối từ không trở lại. Có lúc hắn đang nhìn tha thiết về hướng thành phố, bỗng nhiên hắn giật mình ngó vội theo con đường như chợt nghe tiếng hú còi tàu. Dường như hắn đang chờ đợi con tàu tha thiết lắm.

    Nét mặt hiện những nét tài ba đặc thù. Gió đưa vài sợi tóc lòa xòa xuống vùng trán làm khuôn mặt chàng pha điểm chút mềm mại. Lúc lững thững trên bến ga, lúc đứng bất động nhìn lên khu đồi, hắn có hồn của một nghệ sĩ. Lúc ngồi thầm lặng, người ta lại thấy hắn như một tù nhân rũ bã. Nhưng vùng trán tự tin, dáng hao hao gầy, hắn có nét đẹp của một gã thanh niên tuấn tú. Tuy nhiên, đôi tiếng thở dài cho người ta thấy sự yếu đuối của một trái tim đa cảm.

    -Bao giờ tàu mới tới?

    Ðêm nay hay đêm mai?

    Hôm nay hay còn lâu?

    Bên kia chuyến tàu là gì?

    Vực-Sâu-Phiền-Trược hay Núi-Cao-Bình-Minh?

    Trên bến ga, hắn vẫn một mình, lẩm bẩm. Ðêm càng đêm thì ánh sáng của thành phố càng hồng. Tiếng hát đường xưa và chiều mây lá ngủ. Bạn bè và niềm vui. Giấc mơ và ý nguyện. Hắn đang nghĩ ngợi. Hắn nhớ một vùng quen thân vừa bỏ lại.

    Sân ga có mình hắn. Nhưng có lẽ không phải hiu quạnh của bến ga làm hắn buồn phiền, mà với những lúc ngồi thừ, bàn tay xoa mặt, cái nhìn xa xôi, người ta có cảm tưởng rằng hắn đang bị dày vò từ những ý nghĩ kín đáo gợn sóng mà trùng trùng, sẽ sàng mà mãnh liệt, có an ủi nhưng cũng đau thương. Dáng háo hức đợi con tàu của hắn là một háo hức dường như có đe dọa sợ hãi hơn là mong chờ. Khẳng khái bỏ lại phố thị tìm về đây là dũng cảm nhưng dường như vẫn là dũng cảm ngại ngùng. Cuộc chiến nội tâm dằng co giữa tiếng gọi của con tàu định mệnh mà chàng xác quyết là sẽ có và tiếng gọi của thành phố bảo chàng về là cuộc chiến không biên giới. Trong chiến trận mà kẻ chiến đấu là chính mình thì lưỡi gươm chinh phạtl không giám thẳng tay chém xuống. Trong cuộc cam go mà những tiếng gọi giằng co xảy ra trong một con tim thì bất hạnh của người nghe thấy tiếng gọi là muốn nghe đó, đồng thời lại mong nghe đừng rõ. Bởi, nếu nghe càng rõ thì lựa chọn càng phải dứt khoát.

    Không gian yên tịnh trên vùng trời vắng. Bờ đá im lìm. Con tàu chưa trở lại. Rừng cây vô tư. Hắn ngồi im, dường như hắn bắt đầu quay quắt trong những dòng lệ khô. Bóng đêm làm cho hắn có vẻ gầy hơn dáng người thật của hắn. Bờ cỏ dại nhẫn nại bình thản. Nhưng chúng nghe như có lời than:

    -Thượng Ðế của tôi,

    Tôi xin trung thành và tha thiết.

    Nhưng đâu là giờ tôi đến. Xin chỉ bước tôi đi.

    -Hãy vào sa mạc, ở đấy Ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì. Trong thinh lặng và tin tưởng ngươi sẽ tìm được sức mạnh cho tâm hồn.

    Hắn thưa lại:

    -Thượng Ðế của lòng tôi,

    Nhưng sự im vắng chiều nay làm tôi sợ hãi.

    Bạn bè còn tha thiết. Giấc mơ vẫn miết xanh.

    Bỗng dưng cơ hồ như vang tiếng gọi.

    Tôi đã về đây: Ôi bến tàu vắng.

    Khi nào thì tàu sẽ tới: Ðêm nay hay đêm mai? Hôm nay hay còn lâu?

    Hắn vừa im thì từ rất xa, có tiếng vang. Hắn lắng nghe, sẽ sàng.

    -Cuộc đời là những lựa chọn tiếp nối.

    Lựa chọn nào cũng bao hàm sự từ bỏ.

    Từ bỏ đưa đến tiếc nuối. Tiếc nuối thì ray rứt.

    Nhưng lại là định luật : Sống là lựa chọn.

    Con yêu,

    Có những lựa chọn tương đối. Nhưng đời con còn một lựa chọn tuyệt đối: Gian Nan hay Hạnh Phúc.

    Lựa chọn hệ trọng:

    Thiên Ðường hay Hỏa Ngục.

    Bên kia cuộc đời:

    Vực-Sâu-Phiền-Trược hay Núi-Cao-Bình-Minh.

    -Vâng!

    Hắn thưa như vậy rồi lặng thinh. Hắn muốn nói thêm một điều gì ngay nhưng lại thôi. Sẽ lắc đầu, hắn lấy tay che mặt. Trong tâm tưởng, hắn nhìn thấy biên giới sống và chết thật mong manh. Tuổi trẻ như sóng đang mùa nước lớn. Tung bọt trắng xóa ngày đêm xô đổ thách đố những bờ đá cứng. Dường như cuộc chiến sẽ trường cửu. Lòng kiên nhẫn của sóng là vô cùng. Niềm kiêu hãnh của bờ đá cũng vô biên. Thế rồi, từ xa xa, tiếng hú của còi tàu. Rồi sóng cũng yên, bờ đá cứng như nghìn thu từ từ sụp xuống. Hắn thấy rõ cái không thể giải thích được đến và đi của sự sống. Cứ đến mùa là cây cối chồi sinh lộc non. Người ta có thể đếm những tờ lịch mà gieo mạ, cấy lúa. Nhưng Chuyến-Tầu-Ðịnh-Mệnh không nằm trong thời khóa biểu. Chàng không thể giải thích được, nhưng lại quá rõ ràng, chàng phải đối diện với chuyến tầu này. Và cơ hồ như đâu đây, có dáng dấp của con tầu.

    Ðêm mênh mông. Khu rừng thầm lặng vẫn thầm lặng. Tiếng quốc kêu rất thương vang vọng từ xa, lẻ bóng bên bìa đồi. Con đường sắt vẫn nằm yên đấy.

    -Vâng!

    Hắn lập lại tiếng ấy một lần nữa. Không nhìn lên, khuôn mặt trong lòng tay, hắn thưa:

    -Thượng Ðế của lòng tôi,

    Tôi hằng chập chùng lo lắng...

    những chiếc áo quan khép lại...

    Một chiều thu xám lá rơi.... một canh bạc tàn...

    Ôi, tôi vẫn tự hỏi. Bên kia cuộc đời là gì:

    Vực-Sâu-Phiền-Trược hay Núi-Cao-Bình-Minh.

    Tôi vẫn giật mình sợ hãi khi đêm khuya đổ về.

    Nhưng Người ơi, bao giờ thì tầu sẽ tới, chuyến tàu của riêng tôi.

    -Tình yêu tha thiết sẽ bao ngợp thời gian.

    Niềm tin thành thực sẽ sẵn sàng chờ đợi miên trường.

    Nghe xong hắn lắng đọng đợi chờ. Nhưng tiếng ấy không nói nữa. Khẩn khoản như một lời kinh, hắn ngậm ngùi thưa:

    -Thượng Ðế của lòng tôi.

    Tôi xin trung thành và tha thiết.

    Tôi muốn đợi chờ tiếng còi tầu để mở cửa căn nhà.

    Nhưng kìa, Người có hay sự Lãng-Quên của tôi thì lớn hơn Trí-Nhớ và sư Yếu-Ðuối của tôi thì cao hơn tầm với.

    Hắn chưa dứt lời thì đã vang vọng một tiếng đáp trả:

    -Yếu đuối là ánh sáng để ngươi biết mình.

    Biết mình yếu đuối là tiếng gọi bảo ngươi đến với Tình Yêu.

    Thật đấy, với Tình-Yêu chỉ một tư tưởng phản bội cũng đủ để Tình-Yêu bỏ đi. Nhưng cũng với Tình-Yêu, chỉ cần một giọt nước mắt ăn năn cũng đủ để Tinh-Yêu tha thứ gọi về.

    Sau lời ấy chàng thanh niên đưa tay gạt lệ. Trong tiếng nghẹn ngào, hắn thưa:

    -Thượng Ðế của lòng tôi,

    Khiếu từ cuộc vui, trả lại lời ca cho phố chợ, tôi đã đến đây chiều nay. Nhưng nếu Người chẳng tới. Nhưng nếu tầu chẳng đến. Và bên kia cuộc đời không có Vực-Sâu- chẳng có Núi-Cao chỉ là miên viễn chiêm bao thì Gió và Mây sẽ bảo tôi rằng: Buổi chiều dại dột. Một hy sinh thừa.

    Vô hình mà rạo rực cả núi đồi rừng sâu, tiếng mầu nhiệm đó đáp trả:

    -Không có niềm tin, kiên nhẫn là thừa. Niềm tin không kiên nhẫn là địa chỉ sai đường.

    Nghe xong, tựa đầu lên bờ đá. Không gian cô đọng. Trăng bắt đầu ló bên đồi. Lá ngàn nằm mơ màng dưới ánh vàng của màu trăng Giệtsimani. Sương không nhiều, nhưng sương khuya nên làm thấm lạnh người viễn khách. Khu rừng sâu đen thẩm. Bên đồi, ánh trăng mềm bàng bạc bắt đầu nhẹ nhàn thấm xuống ngàn cây. Thỉnh thoảng tiếng quốc kêu thương. Tiếng kêu độc nhất của một con quốc lẻ loi đang tìm đường. Tiếng kêu mỗi lúc một xa, nhỏ dần, như đang lên cao trên phía đỉnh đồi.

    Chàng trai viễn khách quỳ tựa mặt vào bờ đá lạnh. Thời gian bình thảng trôi xuôi. Im vắng. Hắn ray rứt suy tư. Hắn chưa bao giờ thẩm định kỹ niềm tin và kiên nhẫn là một hay là hai đối thủ đối chọi nhau. Kiên nhẫn là dấu chỉ của lòng tin đã có hay chỉ là mệt mỏi gắng gượng của một chờ đợi không xác định. Khi tin rồi thì kiên nhẫn sẹ đến hay phải vất vả kiên nhẫn để niềm tin lớn.

    Cây si già in bóng lên vùng cỏ thưa. Ánh trăng mới nở chỉ làm cho bóng si thành một đám mây mờ. Nhưng cũng đủ để bờ đá sáng lên, in rõ hình người thanh niên.

    Bất giác, hắn chống tay ngẩng mặt dậy làm bóng trăng chao động, đổ dài lên nền cỏ. Phía sườn đồi những bụi lau đang rung rinh, lao xao.

    Vừa lắc đầu, hắn vừa gọi thì thầm:

    -Cuộc đời ơi, hãy đợi chờ. Ta sẽ trở lại....

    Tâm tư hắn tràn về như dòng sông vừa mở cửa đập. Chàng ngó lại tháng ngày xây đắp công danh mà tiếc xót. Trong dòng nước mở đập trôi chảy về tâm trí chàng ào ào, có ánh sáng của thành phố thôi thúc gọi chàng trở lại. Có bóng người đi trong rừng cờ giữa tiếng kèn hoan hô. Tại sao không phải là chàng? Nhớ lại những ly thủy tinh chạm vàng với rượu nồng và nhạc quý, chàng hối hận đã đến sân ga chiều nay. Bao nhiêu pho sách chàng đã góp nhặt trong đời. Tại sao lại một chiều bỏ ra đi? Người viễn khách trẻ nhìn về phía tây đang rực đèn. Linh hồn chàng lại réo gọi trở về.

    Xô qua mấy lùm cây nhỏ, hắn tìm lối tắt băng ra khỏi sân ga. Bỏ lại ý nghĩ chờ đợi con tầu. Chàng không thể buông tay cho rơi xuống công danh đang dang dở. Chàng muốn bỏ cuộc. Nhưng chỉ chạy được môt quãng ngắn, hắn ngã. Cố gượng dậy trong thế quỳ để giữ bước chân thăng bằng, ngoái cổ lại nhìn về phía rừng rồi hắn lập bập đứt quãng:

    -Chuyến -Tầu-Duy-Nhất? Chuyến-Tầu-Ðịnh-Mệnh?

    Hình ảnh con tầu đang lao vút làm chàng rùng mình. Hắn nhìn thấy con tầu tàn bạo, vô cùng dã man đâm thẳng vào tương lai. Bên bờ rừng một gã đàn ông giơ tay gào thét vì trễ tầu. Con tầu không dừng lại. Gã đàn ông đập mình cúi lạy nhưng con tầu không cần biết. Tiếng gã đàn ông khan cổ gào thét nhưng con tầu phóng ga không một chút xót thương. Bến bờ định mệnh hun hút xa thẳm. Và khi con tầu đã lao đi thì tất cả chung quanh từ từ loãng ra như một đám khói mỏng. Ðền đài, thành quách, những con đường ngàn dặm từ từ rút nhỏ rồi chảy tan như thỏi nước đá dưới mặt trời. Chàng nhìn rõ cuộc đời mình và tất cả ước mơ vô cùng bền bỉ thế mà chúng tụ lại chỉ bằng một hạt bắp, rồi một tiếng nổ nhẹ, hạt bắp vỡ tung. Trong cùng giây lát không phải chỉ có bóng hình người đàn ông lỡ tầu gục đầu gào thét mà vất vưởng đó đây, khi chàng nhìn kỹ, có từng lũ người cũng đang vất vưởng vô vọng. Họ như những hồn ma khốn khổ, không chỗ cư trú.

    Hình ảnh hãi hùng làm chàng lảo đảo, gượng dậy, chạy trở lại bờ đá cũ. Vừa tới nơi, hắn quỳ xuống, giang tay ôm miết lấy tảng đá gồ ghề. Bóng con tầu lao vun vút như sắp bỏ rơi hắn làm hắn càng bấu chặt vào vách núi. Gục đầu trên bờ đá khô cứng. Hắn sợ hãi thưa:

    -Thượng Ðế của lòng con ơi,

    Không!không thể như thế được.... Con không thể bỏ lỡ con tầu...

    Trong lúc thổn thức, hắn còn nói thêm một điều gì nữa, rất khẽ, dường như lời ấy làm hắn sợ hãi.

    Ðất trời bình thản. Trên sân ga vẫn im lặng. Ở phía tây, thành phố vẫn lên đèn dặt dìu tiếng nhạc. Trong im vắng của một chờ đợi, chàng thấy tất cả chỉ xẩy ra trong thế giới thiêng liêng của linh hồn. Gió đến dạt dào rung rừng cây lao xao. Gió đến như sứ giả đem theo lời hắn, xuyên qua núi đồi làm nên những âm vọng uy nghiêm vang dội từng tiếng một. Chàng lại nghe rõ, cũng trong thế giới linh hồn. Lời hắn nói với lòng mình vang lên trùm cả khu đồi, âm vọng chảy suốt theo đường tầu:

    CHUYẾN-TẦU-DUY-NHẤT.

    CHUYẾN-TẦU-ÐỊNH-MỆNH .....

    Thời gian trôi. Ánh trăng mỗi lúc mỗi lên. Bầu trời mênh mông. Rừng cây vời vợi không tiếng còi. Trên cao, xa thẳm, ngàn sao đang lấp lánh, và càng vào khuya sao trời càng thêm sáng láng.

    * * *

    (Lời nguyện của người chờ con tầu)

    · Lạy Thượng Ðế của lòng con. Bao giờ chuyến tầu mới tới? Lúc nào là giờ con từ giã cuộc đời? Khi mà núi rừng vẫn bốn mùa đổi lá. Phố thị vẫn thản nhiên vô tư thì khó mà nhận ra sự tàn phá khi con tầu tới. Con tầu là chuyến đi định mệnh của riêng con mà thôi, nên con phải suy tư về sự tàn phá ấy trong thế giới thiêng liêng của riêng linh hồn mình. Chính những hình ảnh bền bỉ của thế giới chung quanh, của núi rừng vẫn cứ xanh , của ánh sáng thành phố cứ hồng làm con lãng quên tiếng còi tầu. Ði cùng chuyến tầu trên cuộc đời với nhau, nhưng Chuyến-Tầu-Ðịnh-Mệnh sự chết là của riêng mỗi người. Vì thế, con cần những giây phút riêng tư, để dù trên cuộc đời chung nhau, con vẫn chờ đợi một thế giới của riêng mình.

    (Lời trong Phúc Âm)

    “Coi chừng! Hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết bao giờ đến lúc đó. Các ngươi hãy canh phòng vì các ngươi không biết chủ nhà đến chiều hôm nay hay nửa đêm, gà gáy hay tảng sáng, kẻo thình lình Ngài đến lại gặp các ngươi đang ngủ.” (Mc. 13:33, 35-36)

    Nguyễn Tầm Thường
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Đức Mẹ đã cứu chúng tôi

    Tôi đi cải tạo năm 1975 và được tha về năm 1982. Trong thời gian tôi vắng nhà, vợ tôi đã phải tần tảo nuôi con, ngược xuôi nay chỗ này mai chỗ khác, nên không có hộ khẩu. Vì thế khi được tha về tôi đã không được nhà cầm quyền cho hộ khẩu; công an yêu cầu tôi trở lại trình diện Bộ Nội Vụ. Tôi sợ sẽ bị bắt đi cải tạo nữa, nên sau nhiều lần lên huyện xuống tỉnh nài nỉ mà vẫn không được chấp thuận (vì vợ con tôi chưa có hộ khẩu nên tôi xin được vô hộ khẩu của người bà con). Tôi quyết định dắt díu vợ con vô rừng làm rẫy cách xa chợ chừng 10 cây số. Tôi muốn tránh gặp mọi người nhất là công an, du kích... vì sợ sẽ bị bắt lại với tội không trình diện hàng tháng và không hộ khẩu.

    Ăn uống thiếu thốn, làm lụng cực khổ, muỗi rừng và khí hậu thời tiết nghiệp ngã, tháng 8 năm 1983 tôi lâm bệnh sốt rét ác tính. Các y sĩ địa phương đều bó tay vì bệnh tôi đã quá nặng. Các em vợ tôi đã để tôi nằm trên một chiếc võng căng giữa hai chiếc xe thồ đưa về nhà cha mẹ vợ tôi. Tôi được vị linh mục phó xứ cho chịu phép Xức Dầu. Sau khi đã xưng tội và rước Mình Thánh Chúa, tôi thấy mình quá mệt nên trình với ngài rằng: "Thưa cha, con mệt quá", rồi tôi đi vào hôn mê hoàn toàn.

    Vợ tôi kể lại, sau đó đưa tôi về Sài-gòn xin vô bệnh viện Chợ Rẫy, nằm phòng cấp cứu. Tại đây, tất cả các bác sĩ đều bó tay và yêu cầu đưa tôi xuống nhà xác, chỉ duy có bà bác sĩ Phương xin giữ tôi lại để bà ta chữa trị, coi như thí nghiệm theo cách trị liệu của bà ấy. Lúc đó tôi vẫn còn hoàn toàn hôn mê, không ăn không uống, đại tiện thì không, tiểu tiện phải dùng ống thông, nước tiểu muốn chảy ra lúc nào thì chảy, nước biển liên tục được chuyền vô cơ thể tôi. Tôi như một cụ già, da bọc xương, chí rận tùm lum trên người. Trong thời gian hôn mê này gia đình tôi đã bàn tính chuyện ma chay chôn cất cho tôi.

    Nhưng sau gần 3 tuần lễ, tôi hồi tỉnh. Mở mắt ra, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là vợ tôi đang ngồi bên cạnh. Vợ tôi mừng quá la lên, và thế là cả phòng từ y tá tới các bệnh nhân đều rộn rã: "Đã tỉnh lại rồi! Đã tỉnh lại rồi!" Tôi nghe thấy nhưng không nói được, không cử động được, nhìn lên trần nhà thấy đèn điện sáng tôi mới biết rằng đây là bệnh viện. Sức khoẻ tôi từ từ bình phục. Ít ngày sau tôi được rút ông thông tiểu, ăn một chút cháo, bắt đầu ngồi dậy, và vợ tôi dìu tôi tập đi chung quanh phòng.

    Tôi được kể cho biết, trong khi tôi hôn mê, bà bác sĩ Phương và một bà bác sĩ khác cộng tác điều trị cho tôi đã dùng kim chích lấy nước tuỷ sống của tôi để nghiên cứu, theo dõi và chữa trị cho tôi. Mấy ngày sau khi tôi tỉnh lại có một phái đoàn y sĩ nước ngoài (khoảng mấy chục người gồm nhiều quốc tịch khác nhau) tới thăm bệnh viện Chợ Rẫy, họ ghé thăm tôi - một người đáng lẽ đã chết nhưng được cứu sống. Bà bác sĩ Phương đã trình bày cho phái đoàn về bệnh tình tôi và cách trị liệu của bà. Một bác sĩ trong phái đoàn đã xét nghiệm tôi ngay lúc đó. Chiều hôm ấy tôi ngồi nói chuyện với bà bác sĩ Phương ngoài hành lang, bà nói với tôi rằng: "Anh được thoát chết thật là may mắn cho anh, còn tôi cũng được vinh dự". Phái đoàn y sĩ này đã yêu cầu bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh và điều trị bất cứ bệnh gì còn có trong thân thể tôi. Vì thế, tôi được chụp quang tuyến và khám bệnh toàn bộ cơ thể.

    Bốn tháng sau tôi rời bệnh viện với một thân thể hoàn toàn không có bất cứ bệnh gì. Trước khi ra về, bác sĩ Bính nói với tôi: "Khi anh nhập viện, đã có mấy người bệnh như anh đều chết. Vì thế tất cả các bác sĩ đều đồng ý đưa anh vào nhà xác, và chính tôi đã đề nghị mổ phúc mạc anh để nghiên cứu, nhưng bà bác sĩ Phương xin giữ anh lại để bà ta chữa, và bây giờ anh vẫn còn sống. Thật là kỳ lạ!"

    Rời bệnh viện, vợ chồng tôi ghé thăm anh chị họ tôi (mẹ tôi là cô ruột của chị ấy), anh chị rất thương tôi. Chị nói với tôi rằng: "Chúa để em còn sống là để em lập công đền tội đấy!" Lời nói này vẫn luôn nhắc nhở tôi.

    Vợ chồng tôi cùng với con cái lại tiếp tục vô rẫy canh tác như trước. Vào một đêm, trong giấc mơ tôi thấy một bé trai khoảng 12 tuổi bồng một bé sơ sinh đến trao cho tôi và nói: "Tôi nói cho chú hay, đáng lẽ chú đã chết rồi, nhưng chú còn sống là nhờ kinh Kính Mừng đấy!" Nói xong chú bé bỏ đi. Tôi nghĩ chú ta đã quên không bồng em bé đi, nên gọi lớn để trả bé sơ sinh cho chú ta. Tiếng kêu ấy làm vợ tôi thức giấc, nàng lay tôi dậy. Ngay lúc đó, tôi có cảm nghiệm và đinh ninh rằng: chính Đức Mẹ đã cứu tôi.
    Tôi hồi tưởng lại những lúc mẹ tôi dạy tôi cầu nguyện và lần hạt Mân Côi từ ngày tôi mới lên tám lên chín. Mẹ tôi qua đời năm 1967, lúc tôi đang theo học khoá 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nhưng điều người dạy tôi "phải siêng năng lần hạt Mân Côi và cầu nguyện liên lĩ" thì tôi không bao giờ quên. Lúc còn đi học, khi gia nhập quân đội, lúc hành quân nguy hiểm, thời gian trong trại cải tạo, khi nào việc lần hạt Mân Côi cũng là liều thuốc an bình cho tôi. Nhất là từ sau lần thoát chết kể trên, tôi đã cảm nghiệm và hiểu được rằng: Đức Mẹ đã cứu tôi để tôi xét lại con người mình. Nếu tôi chết lúc bấy giờ, chắc tôi đã sa hoả ngục!

    Ôi, tôi đâu có ngờ rằng những kinh Kính Mừng đã làm đẹp lòng Mẹ Maria. Lòng yêu Mẹ của tôi có là bao mà Mẹ lại thương tôi dường ấy. Thực đúng như lời một vị linh mục đã nói trên toà giảng: "Ai yêu mến Đức Mẹ, dứt khoát Đức Mẹ sẽ không để người ấy phải sa hoả ngục".

    * * *

    Vào năm 1988, trong một bữa cơm ở nhà chú vợ tôi ở Sài-gòn, có mấy người bạn của chú là những sĩ quan cấp tá đã khuyên tôi phải cố gắng vô hộ khẩu, vì thế nào Mỹ cũng đưa được những tù nhân cải tạo đi, và bảo tôi nên xin tờ L.O.I (letter of introduction) của Mỹ cho chắc ăn. Vì thế, ngay bữa đó tôi biên thư gửi sang toà Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan nhờ một người bạn ở Canada chuyển. Chừng bốn tháng sau tôi nhận được tờ L.O.I. Bước kế tiếp là vô hộ khẩu. Khâu này mới thật gây cấn và nguy hiểm, vì tôi có thể bị bắt đi cải tạo trở lại, lý do đã không trình diện 6 năm. Tôi đánh liều cầm đơn lên công an huyện (lúc này vợ con tôi đã có hộ khẩu được 1 năm). Viên sĩ quan công an gặp tôi nói:

    -Tôi đã không chấp nhận cho anh vô hộ khẩu ở địa phương này, tôi đã trả anh về công an tỉnh đề nghị anh về trình diện Bộ Nội Vụ, thế mà anh đã không thi hành. Vậy mấy năm nay anh ở đâu và làm gì? Anh phải làm tờ kiểm điểm, tờ tự khai, khai hết cho tôi.


    -Tôi vô rừng làm rẫy.

    -Ai cho phép anh phá rừng làm rẫy? Chắc chắn là anh đã hoạt động chống phá!

    -Tôi đã đi cải tạo, đã tiếp thu được qua học tập cải tạo sự khoan hồng của cách mạng và đã được tha về, tôi dại gì mà đi chống phá cách mạng?

    -Anh đừng có lẻo mép và ngoan cố!

    -Tôi thấy đồng chí Nguyễn Văn Linh...

    -Ai cho phép anh gọi ông ấy là đồng chí?

    -Tôi xin lỗi! Anh thấy đó, ông Nguyễn Văn Linh rất cởi mở, ngay cả các tướng tá cao cấp hơn tôi mà kỳ này còn được tha về, nên tôi mới mạnh dạn và hy vọng được cách mạng cho tôi vô hộ khẩu với vợ con.

    -Anh ngồi đó, tôi phải đưa vụ việc này lên cấp trên để xử lý.

    Rồi anh ta cầm đơn tôi đem đi. Tôi cảm thấy khó khăn và nguy hiểm quá. Ngay lúc đó có một bà chừng 60 tuổi, đến về việc gì tôi không biết, nói với tôi rằng:

    -Thôi chú ạ, dù sao chú cũng là kẻ bại trận, chú cãi với người ta có ích gì!
    Tôi hiểu ý bà và nói:

    -Con cám ơn bác.

    Một lúc sau thì anh công an trở lại. Đứng dậy, tôi không để cho anh ta nói trước, tôi nói ngay:

    -Hồi nãy tôi thật có lỗi. Xin an bỏ qua. Tôi nhìn nhận là có lỗi rất nhiều vì đã không đi trình diện.

    -Vậy chứ! Anh phải biết như vậy chứ! Anh ngồi xuống đi.

    Rồi anh ta trở ra. Chừng nửa giờ sau anh ta trở lại và nói:

    -Anh đi theo tôi.

    Tôi đứng lên theo anh mà lòng lo âu. Anh ta đưa tôi đi chụp hình, rồi nói:

    -Anh được phép vô hộ khẩu.

    Thật là hú vía! Tôi mừng quá! Đúng là Đức Mẹ đã dùng bà khách kia khuyên bảo và soi sáng cho tôi cũng như thúc giục anh công an trình với cấp lớn hơn cho tôi vô hộ khẩu.

    Có hộ khẩu rồi, gia đình tôi sống thoải mái hơn. Tôi không còn phải lo tránh né như trước. Nhất là có hộ khẩu tôi mới được dễ dàng qua Mỹ theo diện H.O. Cảm tạ Chúa và Mẹ Maria!

    * * *

    Trong thời gian tôi phải đi cải tạo, vợ tôi ở nhà phải lo xuôi ngược, tần tảo nuôi hai con (sanh năm 1972 và 1974). Vì gia cảnh thiếu thốn, cộng thêm sự mong chờ chồng, nên sức khoẻ vợ tôi ngày càng tệ. Bệnh tim bắt đầu xuất hiện. Khi tôi được tha về, bệnh tình vợ tôi đã ra nặng. Nàng đi bác sĩ tây, thầy lang ta, hết thuốc này đến thuốc nọ nhưng bệnh ngày càng trầm trọng. Bất cứ lúc nào nàng cũng có thể lên cơn bệnh, đau nhói trong tim rồi ngộp thở.

    Sau khi qua Mỹ, nàng cũng đã chạy chữa nhiều cách nhưng đều vô hiệu. Tới năm 1999, bệnh tình vợ tôi trở nên nguy ngập hơn. Tôi đưa nàng đi khám bệnh tại trung tâm tim mạch lớn nhất của thành phố Austin bang Texas. Các bác sĩ cho hay nhịp tim rất lộn xộn, họ hẹn 3 ngày sau đi tái khám bằng những phương tiện khác. Sau lần khám phá thứ hai, họ lại hẹn đi khám lần thứ ba bằng hệ thống máy móc tối tân nhất. Vào buổi sáng trước lần khám chót chỉ có 3 ngày, chúng tôi đang ngồi ở phòng khách thì vợ tôi kêu lên:

    -Anh ơi, em ngộp thở rồi! Mệt quá, em không chịu nổi!

    Thấy mặt vợ tôi tái mét, nằm dài trên xô-pha, tôi hoảng quá:

    -Còn mấy ngày nữa mới tới phiên khám bệnh. Biết làm sao bây giờ? Chúng ta chỉ còn biết phó thác trong tay Chúa và Mẹ Maria. Vậy anh viết thư xin Dòng Đồng Công khấn cho em, rồi đưa em đi nhà thương nhé?

    Vợ tôi gật đầu. Tôi lấy giấy bút viết cho Nhà Dòng và kèm theo tấm ngân phiếu xin Nhà Dòng cầu nguyện cho. Sau khi đi gửi thư trở về, tôi ngạc nhiên thấy vợ tôi đã ngồi dậy. Tôi chưa kịp hỏi thì nàng nói:

    -Bây giờ em thấy khoẻ quá, như không có bệnh gì vậy?

    Mấy ngày sau, như đã hẹn, tôi đưa vợ tôi đi khám bệnh. Các bác sĩ ngạc nhiên khi không thấy có một triệu chứng đau tim nào nơi nàng. Chúng tôi ra về. Ngày hôm sau họ gọi điện thoại bảo cho tôi: "Vợ ông hoàn toàn khoẻ mạnh". Chúng tôi mừng vô hạn!

    Cho đến nay đã 4 năm rồi, vợ tôi không dùng một viên thuốc đau tim, không cần phải đi bác sĩ. Bệnh tim của vợ tôi đã hoàn toàn biến mất. Đối với tôi, một "phép lạ" đã xảy ra. Chúa và Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của chúng tôi một cách tức thời.

    Lạy Chúa, lạy Mẹ Maria, chúng con xin phó thác thân xác và linh hồn chúng con cho Chúa và Mẹ mãi mãi.

    Anphong Nguyễn (Moore, OK)
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Tiếng Gọi

    Ít nhất cũng phải có một chút hy vọng nào đó thì người gọi mới cất tiếng gọi. Mong được người đáp trả, đấy là niềm vui của người gọi. Trong tiếng gọi bao hàm sự có mặt của hai người. Nếu chỉ có một người lẻ loi thì không có tiếng gọi, vì tiếng gọi không có đối tượng để gửi tới.

    Tiếng gọi là một lời mời. Lời mời là một cử chỉ biểu lộ lòng mến yêu. Không mến thương ai thì chẳng bao giờ gọi người đó.

    Thà rằng tôi lẻ loi, cô độc còn hơn là tôi quen biết, còn hơn là tôi có những mối giây liên hệ tình cảm để rồi những quen biết, những mối liên hệ ấy chối từ tôi. Khi sống một mình thì tôi chỉ đơn độc, còn khi tôi quen biết mà bị chối từ thì tôi sẽ cô đơn. Bị thờ ơ bao nhiêu thì nỗi cô đơn càng hiu hắt bấy nhiêu. Và nỗi cô đơn này có thể hoang vu hơn sa mạc. Chúa không buồn khi chưa có con người. Khi con người từ chối tình yêu mà Ngài ban tặng, bấy giờ Ngài mới cô đơn (Kn. 6:6). Chúa không tủi lòng khi chưa quen biết Phêrô, khi chưa gặp mặt Yuđa. Khi đã gọi tên, khi đã cùng nhau xây đắp mối liên hệ, bấy giờ nỗi cô đơn của Ngài mới thấm thía lúc bị phản bội, bị chối từ.

    Khi tôi gửi một cánh thư đi là tôi gởi lòng tôi ở đó. Gởi nỗi lòng mình đi thì bao giờ cũng có nhớ nhung và hồi hộp, âu lo.Tôi không viết thư cho gió vì gió không biết tiếng người. Tôi chẳng gửi thư cho mây vì mây không bao giờ đáp trả. Tôi chỉ gởi cho người vì chỉ người mới có thể đáp trả lại nỗi lòng tôi. Nhưng người có tự do nên tôi cũng có thể bị chối từ. Tiếng gọi của tôi có thể vang lên khô khan rồi hiu hắt trở về với cõi lòng tôi.

    Khi Chúa cất tiếng gọi thì Chúa cũng thầm nuôi hy vọng được đáp trả. Chắc hẳn Ngài cũng ngậm ngùi khi bị khước từ. Bởi trong tiếng gọi là thầm cho đi tình yêu. Bởi trong tiếng gọi là thầm nói lên nỗi nhớ thương.

    Gọi là dấu hiệu đang còn xa nhau. Gọi là muốn lại gần.

    Trong cuộc đời, tôi có hai tiếng gọi, hai mẫu người lý tưởng để theo. Tiếng gọi thứ nhất là Chúa Kitô. Tiếng gọi thứ hai là chính tôi. Tôi có thể tạo nên cho tôi những tiếng gọi, những giấc mơ và tôi có thể theo đuổi để trở thành mẫu người như tiếng gọi tôi ước mong. Tôi cũng có thể trở thành mẫu người như Chúa Kitô mong muốn. Cái khác nhau là một đàng tôi sống ước mơ của tôi, một đàng tôi phải sống tiếng gọi của Chúa. “Thức ăn của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Ngài” (Yn. 4:34). Chúa Kitô đã sống trọn vẹn tiếng gọi của Cha Ngài.

    Tôi có thể lầm lẫn thì tiếng gọi của tôi cũng có thể không trung thực. Nếu tiếng gọi của tôi không trung thực thì lo âu để trở nên mẫu người như tôi mơ ước sẽ là dại dột.

    Nếu tôi tin rằng Chúa không thể sai lầm thì tôi cũng phải xác tín rằng tiếng gọi của Ngài phải tuyệt hảo. Không thể có hai sự tuyệt hảo. Như thế, khi tôi chối từ sự tuyệt hảo là tôi nhận sự bất hảo.

    Có nhiều thứ tiếng gọi. Gọi để cho một tặng vật. Gọi để chung một niềm vui. Gọi để gởi gấm một niềm tin cậy. Nhưng tiếng gọi cao cả nhất, sâu xa nhất là gọi để theo một người. Gọi để cho một tặng vật mới chỉ là cho một phần yêu thương. Còn gọi để theo một người là tiếng gọi cho tất cả. Vì muốn người khác trở nên giống mình thì phải cho họ biết rõ về mình. Cách cho họ biết rõ về mình tốt nhất là cho chính mình. Tôi không thể trở nên mẫu người như Chúa muốn, tôi không thể theo Ngài nếu Ngài không tỏ rõ cho tôi biết Ngài là ai. Ngài chẳng thể tỏ rõ cho tôi biết Ngài là ai nếu Ngài không cho tôi chính Ngài. Và thực sự, Thập Giá đã minh chứng sự cho đi trọn vẹn ấy.

    Chúa đã viết một cánh thư. Ở nơi nào đó, Chúa đang mong chờ hồi âm. Ngài không viết thư cho lá rừng, vì lá rừng và bụi cát chỉ phủ mờ thập giá. Ngài viết thư cho người vì chỉ có người mới biết quét mạng nhện trong đền thờ, mới biết xoa dịu một nỗi khổ đau.

    Có xa nhau thì người ta mới phải gọi. Khi tôi nghe tiếng Chúa gọi là dấu hiệu tôi còn đang xa Ngài. Khi Ngài gọi là dấu hiệu Ngài muốn tôi lại gần.

    Nguyễn Tầm Thường
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Chết

    Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết. Làm gì có sự chết nếu không có sự sống. Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời. Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

    Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi. Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau. Trong lớn lên đã có mầm tan rã. Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

    Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề. Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

    Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh được sự chết.

    Tôi không thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không? Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi. Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi. Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên nếu tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

    Trong dòng đời, tôi không sống một mình. Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu. Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình. Chẳng ai đi với tôi. Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

    Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh. Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng lo tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại. Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm cho tôi thêm đau đớn, nuối tiếc. Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

    Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Mà cũng có thể là một thứ nô lệ. Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

    Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? tích lũy?

    Kinh Thánh kể:

    Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi”. Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải”.

    Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: Ta phải làm gì? vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa màu nữa. Ðoạn, người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc. 12:13-21).

    Không ai sống hộ tôi. Không ai chết thay tôi. Không ai đi cùng tôi. Tôi sẽ ra đi lẻ loi. Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người. Có thể đôi khi họ nhớ tôi. Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia. Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt. Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

    Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tin rằng chết là chiến thắng (1 Cor: 15:54). Chết là đi về sự sống vĩnh cửu. Chết là gặp gỡ. Gặp Ðấng tạo nên mình. Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi. Chết là điều kiện để sống.

    Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

    Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề. Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa? Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà. Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con. Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

    Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi. Hôm nay hay ngày mai? Mùa thu này hay mùa xuân tới? Con âu lo. Nhưng vì sao phải lo âu?

    Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang. Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa. Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.

    Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau sự chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương. Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi. Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao. Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm. Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được. Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thẳm quá.

    Chung quanh có biết bao mời mọc. Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai. Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

    Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không. Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá. Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa. Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom. 7:15-16). Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

    Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi chết.

    Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá. Con không biết con can đảm tới đâu. Con chỉ xin sao cho con tiếp tụ đi mãi. Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

    Thập giá nào thì cũng có đau thương.

    Con không muốn thập giá. Vì thập giá làm con mang thương tích. Chúa cũng đã ngã. Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tự nẩy sinh sự sống. Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết. Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc. 23:46). Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa. Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết. Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con cũng phải yêu sự chết.

    Con muốn chết để được sống.

    Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự. Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

    Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

    Nguyễn Tầm Thường
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Truyện cây nho

    Có cây nho xinh, lá mịn màng. Người làm vườn chờ nắng lên, tiễn ngày đi, bên vườn nho ấp ủ một mùa sai trái. Ngồi bên luống nho như ngồi bên dòng đời. Người làm vườn nhìn màu lá dập dờn trong nắng như màu hạnh phúc đổ xuống tâm hồn. Bình an và chờ đợi. Thời gian và nôn nao.

    Chúa bảo mỗi người là một cành nho trong vườn nho thiêng liêng Nước Trời. Trên màu nắng vỗ, lá non bóc vỏ mình xanh tươi theo ngày tháng. Lời gọi của Chúa cũng vậy, muốn kẻ theo mình bước dần về Jêsusalem cùng lãnh ơn cứu rỗi, cùng lên phục sinh. Trong vườn nho thiêng liêng, có nhánh nho kể chuyện đời mình:

    Cành nho kể chuyện

    Ngày xưa, tôi là một cành nho xinh. Tôi xin kể chuyện những gian nan đời tôi. Trong những ngày tháng ấy, người làm vườn nói với tôi nhiều lắm. Chúng tôi tâm sự với nhau bên những chiều úa nắng, những bình minh. Có hy vọng, có đau đớn, có mệt mỏi, có lừa dối. Tôi xin kể lại những tâm sự ấy như một đoạn đời thiêng liêng.

    Không biết tôi vào đời lúc thời gian đang là xuân, hạ, hay thu. Từ một mầm non nhỏ, tôi chào nắng. Nắng ấm làm tôi nôn nao, rồi sức sống như bùng vỡ trong tôi, bao nhiêu mầm non khác trong da thịt tôi vỡ vỏ chào nắng theo. Tôi thành một cành nho xinh đẹp, rũ lá xuống vườn nho. Người làm vườn rất vui, nhìn tôi mơ một mùa nho sai trái.

    Rồi một ngày bất ngờ, có cơn gió vô tình từ đâu bay tới, làn gió như nghịch như đùa, nó làm chùm lá đập vào nhau, rách rơi xuống đất ẩm. Tôi đâu biết trên đời lại có gió như thế. Lần đầu tiên tôi gặp gió. Tôi thua cuộc trong cái thờ ơ không biết chuẩn bị đề phòng. Người làm vườn thương tôi, đến bên tôi, và người làm vườn ấy dâng một lời kinh:

    “Lạy Chúa, đời sống thiêng liêng của mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, mỗi tu viện cũng giống như cành nho. Người ta nói về những chùm nho đẹp, nhìn những cành lá xanh mà ươm mơ. Nhưng gió đến, lá xanh có thể rách, chùm nho càng sai thì càng dễ rơi xuống. Cành nho vững được trước gió là nhờ những sợi dây nho nhỏ cuốn vào hàng rào. Chính những sợi râu nhỏ không ai để ý, chả ai nói tới, lại mang một trách nhiệm lớn như thế. Gió có thể làm chính những cành lá đập vào nhau mà rách. Giống như cuộc đời vậy, lúc gió bão cuộc đời xẩy ra thì chính anh em trong nhà, người trong cùng tu viện, kẻ trong một Giáo Hội, vợ chồng với nhau có thể xâu xé nhau. Những sợi râu nhỏ kia là hình ảnh của những giây phút cầu nguyện và xét mình. Nó nhỏ và âm thầm, nhưng thiếu nó, đời sống thiêng liêng sẽ sụp đổ. Chùm nho có đẹp, lá có xinh, nhưng không có những sợi râu bám chặt vào thân rào, gió sẽ làm nó tan tác. Bao nhiêu công trình tông đồ đẹp như mùa nho sai trái, nhưng thiếu cầu nguyện và xét mình, nên chúng trở thành ghen tị, hiềm khích chống đối lẫn nhau. Những sợi râu nhỏ ấy có thể là những tối hồi tâm chung giữa vợ chồng, gia đình đọc kinh chung. Nó có thể là xét kỹ xem đâu là căn tính hướng đi của Tin Mừng mà một người có trách nhiệm trong Giáo Hội phải đặt tiêu chuẩn.”

    * * *

    Sau lời nguyện của người làm vườn, sau trận phong ba ấy, tôi dè dặt hơn vì biết gió đến bất chợt. Tôi khôn ngoan hơn trong những cái nhìn. Tôi không tự hào lắm về những cành lá xanh nữa. Tôi biết, không có những sợi râu nhỏ kia, gió sẽ tàn phá chúng tôi. Từ đó, tôi có cái nhìn thiết tha hơn với những gì mà tôi coi là nhỏ bé tầm thường trên giàn nho gia đình chúng tôi. Chắc là trong cuộc sống của loài người cũng thế phải không, biết đâu những đóng góp kín đáo bằng cầu nguyện, hy sinh của những người mà xã hội coi thường đã giữ cho cộng đoàn sức sống? Biết đâu những người tôi cho là quê mùa, những gì tôi coi thường là nhỏ bé, trước mặt Chúa lại là những viên đá nền tảng cho Giáo Hội?

    Nhờ nắng ấm, nhờ sương hiền của trời, cành nho tôi hôm nay bắt đầu có trái. Ôi! tôi còn nhớ sáng ấy, người làm vườn vui làm sao. Ông ta cứ loanh quanh bên gốc nho, xoa từng màu xanh, săn sóc từng đốm hồng trên chùm lá. Ông nhìn vườn nho, mà tôi biết trong tim ông vui lắm. Ông đang nghĩ tới một năm được mùa. Nhưng bạn ạ, cuộc đời có những gian nan không ngờ.

    Trên cành nho, có một tàn lá rất xinh. Màu vàng của nắng, màu xanh của mình, chùm lá đẹp làm sao! Người ta nhìn vườn nho, cứ dựa vào màu lá mà khen vườn nho. Úa vàng là vườn nho bệnh hoạn, xanh tươi là vườn nho hy vọng. Trong chùm lá ấy, “ẩn mình một cánh lá chờ chết.” Cánh lá giấu mặt đằng sau một tổ sâu! Nó chỉ khoe màu xanh mặt trước mà che kín một màu tang tóc phía sau. Từ cánh lá “ẩn mình chờ chết ấy”, vết chân sâu bò dần sang những cánh lá khác, đi tới đâu là rải xuống mầm hoang vu. Sâu không bao giờ chịu xây tổ dưới một cọng lá, sớm muộn rồi nó cũng lan qua, tàn phá những tàn lá chung quanh. Vết chân sâu tiêm vào chùm nho đang giữa mùa chín tới. Người làm vườn đâu có ngờ trái nho chua rồi, nó chỉ còn màu xanh vẻ đẹp bên ngoài thôi. Rồi thời gian cũng đến. Xót xa trong tim người làm vườn. Rồi tôi cũng nghe như nỗi buồn từ từ rơi xuống hồn tôi. Thấm thía. Xa vời. Lời rất sâu trong trái tim người làm vườn ấy, vào một ngày ủ dột, dạy tôi lời kinh nguyện:

    Lạy Chúa, tội lỗi là những sa ngã kín đáo, ai cũng sợ người khác biết. Che dấu là cảm dỗ ngọt ngào xúi đẩy nhiều tâm hồn trở thành lừa dối. Cuộc sống chung là một liên hệ hòa hợp, tình trạng thánh thiện hay tội lỗi của người này có ảnh hưởng tới đời sống thiêng liêng của linh hồn kia. Khi một gia đình, một tu viện mà có những người thánh thiện, giữ tâm hồn sạch tội thì hạnh phúc sẽ chan hòa sang nhau. Như những nhánh sông chảy bên rễ vào nhau, dòng nước sẽ trong nếu có nhiều nhánh sông trong, dòng nước sẽ đục nếu những nhánh sông đó đục. Tội lỗi của một cá nhân trong gia đình, trong tu viện ấy có thể giấu kín, nhưng sức sống thiêng liêng trong gia đình ấy sẽ bị mất, niềm vui trong tu viện ấy thành nhạt. Xin Chúa cho con can đảm để Chúa bắt những con sâu tội lỗi ấy qua bí tích giải tội. Vì như những con sâu đó, tội trong con sẽ phát sinh ra những xét đoán thiếu công bình. Khi mất bình an, con sẽ dễ cay nghiệt, dễ nóng giận. Ðiều đó làm cho những chùm nho thiêng liêng thành chua chát, mất vẻ đẹp của linh hồn con, gia đình con, tu viện con.

    Tâm sự người làm vườn

    Tôi là người làm vườn. Tôi quý vườn nho của tôi. Từ ngày trồng đến mùa nho chín là một hành trình dài. Dài ngày tháng bằng khoảng đo mặt trời lên xuống. Dài ngày tháng bằng nỗi mong đến mùa hái. Dài ngày tháng bằng nỗi sợ có thể bị mất mùa. Thời gian trong tâm hồn làm tôi ngột ngạt. Nếu biết chắc chắn mùa tới, nho sẽ chín, trái sẽ ngọt thì cái dài của ngày tháng chỉ là chờ đợi niềm vui. Nhưng phân vân không biết rồi mùa sẽ thế nào, sẽ ra sao là một khắc khoải lớn lắm. Cứ nhìn tay người làm vườn mà định giá nỗi thao thức trong tim người làm vườn ấy. Không người làm vườn nào mà có bàn tay trắng trẻo. Tôi không ngại mưa nắng sớm hôm. Tôi không sợ xước tay vì gai, vì đá sỏi. Tôi chỉ mong được mùa.

    * * *

    Lạy Chúa, bàn tay của Chúa trên thánh giá trong mỗi nhà thờ nhắc nhở con điều gì? Khi con muốn xuống vườn nho, đi làm với Chúa, con cũng phải hỏi mình về đôi bàn tay. Nếu con sợ bàn tay rám nắng, nếu con không muốn nhặt cỏ, cuốc đất, thì con không phải là người làm vườn, con chỉ xem người khác làm vườn thôi.

    Cuốc đất, nhặt cỏ ấy là từ bỏ sự ươn lười, là chiến thắng sự thiếu nhiệt thành, là phấn đấu không dấn thân nửa chừng, là tha thiết với công việc giáo xứ, là xây dựng cộng đoàn huynh đệ. Muốn giữ cho bàn tay không mệt mỏi có thể là những cám dỗ chỉ muốn đưa ý kiến nhưng ngại hy sinh, muốn ra chỉ thị hơn là thi hành.

    Ðôi tay Chúa đã mang đầy thương tích.

    Con đã thấy những người lao động ở vùng kinh tế mới. Trưa nắng quá sức mà họ cứ hì hục rẫy cỏ. Tay họ cháy nắng. Mồ hôi họ nhễ nhãi. Nhưng khi nói chuyện với họ, băn khoăn sau cùng của họ vẫn là: “Rồi, không biết năm nay có được mùa không.” Nhìn nương khoai, tay quệt mồ hôi, nheo mắt trong trời chói nắng, họ không phàn nàn vì phải lao động vất vả, họ chỉ có một băn khoăn: ”Rồi, không biết năm nay có được mùa không.”

    Phải chăng đó cũng là băn khoăn của Chúa khi nhìn linh hồn con. Chẳng còn điều gì có thể làm mà Chúa không làm cho con để cứu chuộc linh hồn con. Sau cùng, khi bàn tay đã tả tơi trên thập tự thì cũng chỉ còn lại trong tim Chúa một ước mơ thôi, đó là linh hồn con thuộc về Chúa.

    Nếu con yêu Giáo Hội thì nỗi băn khoăn ấy cũng phải là của con nữa. Nếu con không thao thức với nhịp sống của Giáo Hội thì con sẽ không tha thiết trong việc tông đồ, điều ấy làm con mất đi năng lực cộng tác với ơn Chúa để thánh hóa chính mình.

    Xin Chúa cho con phải nhắc nhở, thôi thúc tự hỏi chính con về tình trạng linh hồn mình và lòng nhiệt thành với Giáo Hội là một vườn nho chung. Trong vườn nho ấy, xin cho con quý bí tích giải tội, có lẽ nào một cành lá cứ giấu ẩn đàng sau những con sâu đo xấu xí.

    Nguyễn Tầm Thường
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?