Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Wednesday, March 23, 2005

TÌM HIỂU VỀ THÂN XÁC CON NGƯỜI

TÌM HIỂU VỀ THÂN XÁC CON NGƯỜI

Trước tiên, chúng ta hãy so sánh bộ óc với một trung tâm điều hành điện thoại có khả năng liên lạc với tất cả mọi người trên khắp thế giới. Mỗi giây mỗi phút đều tiếp nhận các tin tức và truyền đi những mệnh lệnh cần thiết. Bộ óc chính là nơi thu nhận mọi thành phần sống động nơi chúng ta, chung quanh chúng ta và tiếp cận với chúng ta. Không những nó điều khiển mọi hành động mà còn ghi nhớ vào kho lưu trữ tất cả những gì nó trông thấy, nghe thấy và cảm thấy.

Bên trong khốc óc có 1, 20 kg thịt chứa đựng từ 500 triệu tới 1 tỷ tế bào. Những tế bào này giống như những cục pin điện tử cực nhỏ, những máy điện báo chuyên nhận và phát lệnh đi nhằm liên lạc người này với người kia, nơi này với nơi khác. Chúng nối lại với nhau thành hàng tỷ sợi dây chạy trong toàn cơ thể gọi là các dây thần kinh. Một phần lớn các sợi dây này ẩn mình trong cột xương sống. Trong mỗi sợi dây tí hon ấy lại có một luồng điện chạy với tốc độ 100 cây số / giờ, sẵn sàng chuyển vận những thông tin cấp kỳ nhất từ mọi phần chi thể về ngay trung tâm não bộ...

Về đôi tai, chúng ta hình dung đây là một hệ thống thu thanh vô cùng tinh vi tuyệt hảo. Tai gồm 1 cái lỗ hình cái phễu, có những rãnh và những vành thịt nhỏ để lựa chiều đón các âm thanh, những sợi lông nhỏ li ti cùng với thứ ráy ướt nhớp nháp nhằm cản các thứ vi trùng hay bụi bặm lọt vào.

Ở đáy lỗ lại có 1 tấm da là lá nhĩ hết sức mỏng mảnh mong manh, có khả năng rung lên như một mặt trống. Những rung động của lá nhĩ được truyền đi nhờ những cái xương bé li ti, các xương này lại tiếp vận tiếng rung kia đi tới 1 màng mỏng khác, sau đó chuyển sang 1 cơ quan kỳ lạ gồm 1 cây đàn tinh xảo với 6.000 sợi dây đàn dài ngắn hơn nhau chừng 20 đến 50 phần trăm của một ly. Sau cùng là 10.000 tế bào giống như 1 cái máy thu thanh chuyên ghi nhận các thứ tiếng động để đưa về não xử lý...

Bây giờ đến đôi mắt. Đây là 1 cái ti-vi, có nhiệm vụ chuyển về não những hình ảnh mà cơ quan bên ngoài đã ghi nhận nhờ 1 máy chụp ảnh siêu hiện đại. Mắt có 1 phòng tối với ống kính tí hon, chắn giữa bằng 1 bức màn ngăn có nhiều khe, đó là 2 mí mắt sẽ tự động mở ra hay đóng lại, có công dụng lau chùi mắt bằng 1 thứ hóa chất đặc biệt tên là giọt lệ. Có 6 bắp thịt giúp mắt tự động co hay giãn, điều khiển việc mắt liếc nhìn tứ phía.

Đàng sau ống kính là thủy tinh thể, tùy trường hợp mà phồng lên hay xẹp xuống nhờ những bắp thịt tự động. Thủy tinh thể dày độ 1 phân, là 1 thứ mỡ kết hợp từ 12 tỷ tế bào nhỏ xíu. Để các thay đổi thời tiết không ảnh hưởng đến thị giác, có 1 bộ phận giống như 1 cái chảo giữ cho nhiệt độ luôn điều hòa. Trong cùng là nơi tất cả những gì chúng ta nhìn rõ có thể được sao chụp lại trên tấm màng võng mạc y như trên một phim âm bản. Bộ phận này có thể nhanh chóng in ra ngay 800.000 bức ảnh khác nhau với đủ màu sắc và đường nét chi tiết. Những hình ảnh này cuối cùng sẽ chuyển vào não nhờ 1 sợi dây nhỏ chỉ bằng 1 phần triệu của sợi chỉ...

Còn quả tim thì sao ? Nó dài 10 phân, rộng 6 phân, vừa bằng một nắm tay, cân nặng 200 gam. Nhiệm vụ của tim giống như 1 cái máy bơm có 4 ống, chia thành 2 phía chuyển vận thông nhau đêm ngày không mỏi mệt. Mỗi ngày tim đập 10 vạn cái, cứ 13 giây lại đưa máu chạy khắp cơ thể 1 vòng. Xem ra tim là một loại bắp thịt cứng, nằm lọt trong 1 cái màng kép chứa chất nhờn để giúp nó hoạt động thoải mái.

Mặt khác, tim còn có những cái nắp mỏng và bền, bám chặt vào mép trong bằng những sợi dây nhỏ giống như một cái dù để đẩy máu đi tới , không cho chạy ngược vào tim. Cuối cùng, có 1 cái máy tự động cầm giữ nhịp độ đều đặn khi tim bị tăng nhịp hoặc bị hãm chậm lại do những kích thích xúc động bên ngoài như lo sợ, hồi hộp, buồn bã, vui sướng, ngượng ngùng, nóng giận...

Bây giờ chúng ta đến thăm 2 lá phổi. Phổi là nơi gặp gỡ của máu và không khí. Nó sử dụng hóa chất là dưỡng khí để lọc máu cho sạch. Không khí hít vào phổi do hàng ngàn triệu cái bong bóng nhỏ co giãn đều đặn gọi là phế nang. Nếu trải đều chúng ra trên 1 mặt phẳng, chúng ta sẽ có một một khu vườn xinh xắn diện tích là 200 mét vuông. Các phế nang là một thứ màng mỏng dạng túi, không khí có thể xuyên qua trong khi chúng lại ngăn không cho máu ứa ra ngoài.

Máu được đưa về phổi nhờ 50 tỷ đường ống bé tý xíu như sợi tóc, lần lượt chảy qua các phế nang. Trong vòng 24 giờ đã có tới 1 vạn lít máu đi qua phổi để được lọc sạch làm chất nuôi dưỡng cơ thể con người. Đứa trẻ khi còn nằm trong bào thai thì phổi chưa hoạt động trong khi quả tim làm nnhiệm vụ đưa máu quay trở về theo 1 cửa nhỏ.

Phút đầu tiên chào đời, em bé kêu thét lên một tiếng lớn y như bị ngạt thở. Phút dao động này tạo nên một biến đổi kỳ diệu: từ nay, 2 lá phổi sẽ phồng to ra để chứa đầy không khí. Máu từ tim được hút vào phổi để rồi lại chạy đi luân lưu trong toàn cơ thể...

Cuối cùng, chúng ta sẽ tham quan bộ máy tiêu hóa. Đây là một xí nghiệp chế biến thực phẩm mà mọi thứ đồ ăn thức uống đều được nếm trước nhờ lưỡi và môi, được nghiền tán bằng 2 hàm răng, được thấm nước bọt từ miệng rồi mới cho nuốt vào.

Tất cả sau đó còn được 5 triệu cái máy nhỏ nằm trong tì vị, 40 triệu trong ruột và 350 tỷ trong lá gan giúp chế biến thành đủ loại chất cần thiết. Ngoài ra, chúng còn giúp chuẩn bị thuốc men để đối phó với chứng bệnh tả lỵ hoặc giúp cho việc tiêu hóa thêm dễ dàng nhanh chóng và điều độ. Tất cả hình thành ra sinh lực và năng lượng hoạt động cho toàn cơ thể con người...
Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • THẢM TRẠNG PHÁ THAI

    THẢM TRẠNG PHÁ THAI

    Dưới đây là một ghi chép tổng hợp của một sinh viên Công Giáo yêu cầu được giấu tên, sau đợt thực tập tại một bệnh viện phụ sản lớn ở Sài-gòn năm 1995. Bản thân anh đã xin chuyển công tác sang phục vụ khoa Nhi vì nỗi ám ảnh tinh thần cứ đeo đẳng mãi. Có thể coi đây là một chứng từ sống động đến rùng mình về thảm trạng nạo phá thai hiện nay ở Việt-nam và trên toàn thế giới !

    “Điều Hòa Kinh Nguyệt” thực chất là phương pháp để phá thai sớm. Nó còn được ngụy trang dưới nhiều cách gọi có vẻ mang tính khoa học để đánh lừa những phụ nữ bình dân ít học, như: Hút Điều Hòa Kinh Nguyệt ( menstrual regulagion ), Hút Tối Thiểu ( minisuction ), Hút Tạo Kinh Nguyệt ( menstrual extraction ).

    Còn “nạo phá thai” là cách gọi nôm na của phương pháp đình chỉ thai nghén, chủ động qua đường âm đạo. Thủ thuật được tiến hành bằng cách nong cổ tử cung để gắp thai nhi và nhau thai ra khỏi bụng người mẹ, sau đó, nạo sạch các thành vách của buồng tử cung. Trên nguyên tắc của nhà nước hiện nay về việc kế hoạch hóa, chỉ được phép nạo phá thai khi thai còn nhỏ dưới 12 tuần tuổi. Thế nhưng, trong thực tế thì khác xa !

    Rất hiếm khi vấn đề tai họa trước mắt và lâu dài của việc nạo phá thai được thẳng thắn trình bày cho giới phụ nữ. Họ không ngờ đó sẽ là nguy cơ băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn tử cung và gây tổn thương đường sinh dục. Về lâu về dài, người phụ nữ phá thai có thể bị triệt sản, không thể có thai nữa. Nếu có thai thì tử cung đã bị chai, cứng đơ ra và rất khó sanh. Sau khi sanh, sản phụ còn có thể bị băng huyết nặng.

    Trong các tai hại nêu trên, nổi cộm lên nguy cơ bị băng huyết sau khi nạo thai hoặc băng huyết sau khi sanh, bởi nạo thai chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Các biến chứng do băng huyết gây ra gồm có: phần đáy tử cung sẽ bị tăng cao thể tích lên dần, to bề ngang và mềm nhão, rất dễ bị tổn thương.

    Nguy hiểm nhất là chảy máu. Có thể máu vừa chảy ra ngoài, vừa đọng lại trong buồng tử cung. Máu đỏ tươi lẫn với máu cục, hoặc nhiễu từng giọt, cứ mỗi cơn co lại thì lại tống máu cục ra ngoài. Sản phụ sẽ bị mất máu cấp tính, da và niêm mạc xanh hay trắng bệch, tay chân lạnh ngắt, thấy khát nước vật vã, vẻ mặt hoảng hốt, mạch tim đập nhanh, huyết áp tuột thấp bất thường. Nếu không phát hiện kịp thời, sản phụ sẽ bị trụy tim mạch, choáng nặng đưa đến tử vong, hoặc do lượng máu mất quá nhiều sẽ dẫn đến việc rối loạn đông máu.

    Ngoài ra còn có hội chứng Shechan làm cho sản phụ bị gầy rạc đi, rụng tóc, mất sữa, mất kinh nguyệt do bị hoại tử ở tuyến yên. Người nạo thai còn có thể bị các chứng như: nhiễm trùng hậu sản; suy thận trầm trọng, viêm tắc tĩnh mạch; nhiễm khuẩn máu đưa tới 100 % tử vong vì ung thư tử cung; viêm phúc mạc toàn bộ xảy ra trong khoảng 3, 4 ngày sau khi nạo do bị nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục, mắt trũng, môi khô, tim đập nhanh và loạn nhịp, thân nhiệt cao, nôn mửa, đau bụng dữ dội, bí trung tiện và đại tiện, âm đạo viêm to hết sức đau đớn, từ đó, vùng bị viêm sẽ tạo ra mủ chảy ngược vào ổ bụng, gây ra viêm phúc mạc, dễ bị thủng tử cung đột ngột làm bệnh nhân tử vong không thể cấp cứu được !

    Trong thực tế, tại khoa sản, phòng khám nạo thai của một bệnh viện phụ sản lớn ở Sài-gòn, trung bình mỗi ngày có trên 30 người đến nạo phá thai. Số thai nhi bị nạo nhiều gấp 3 lần số được sinh ra. Có khi thai bị phá quá trễ, tình trạng giống như sinh non, đứa bé bị trục xuất ra ngoài, bật khóc to, bác sĩ lạnh lùng úp mặt em xuống một chiếc gối trong một phút để nó sẽ chết vì ngạt. Lại có những đứa bé như linh cảm sẽ bị giết, đã không chịu bị trục ra ngoài bụng mẹ, bác sĩ đã điềm nhiên dùng kìm, kéo và dao đưa thẳng vào tử cung để cắt vụn các chi của em bé, rồi gắp ra từng phần !

    Đa số những người đến nạo phá thai đều tỏ ra dửng dưng, cho đây là một phong trào tốt cần phải làm để kế hoạch hóa dân số. Hơn nữa, họ còn được thưởng kha khá dưới hình thức bồi dưỡng. Có thể nói lương tâm của họ như thể bị chai đá. Có người đã nạo đến 5, 6 lần ! Đặc biệt, phải kể đến tình trạng phá thai của các cô gái vị thành niên. Chỉ riêng tại Việt-nam đã có gần 30.000 ca phá thai mỗi năm của riêng độ tuổi từ 13 đến 17.

    Bản thân tôi đã tìm cách khéo léo và kín đáo để phỏng vấn 3 người vào nạo thai, một người mang thai đã 3 tháng, hai người kia có thai 2 tháng. Tôi hỏi: “Tại sao chị lại đi phá thai ?” Chị thứ nhất trả lời: “Vì tôi sợ lại sẽ sinh ra con gái !” Chị thứ hai biện bạch: “Gia đình tôi nghèo quá, sợ không nuôi nổi nó !” Còn chị thứ ba thì thản nhiên bảo: “Vì tôi thích nạo, quen rồi !”
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • MỘT GIÂY PHÚT TRÊN THẾ GIỚI

    MỘT GIÂY PHÚT TRÊN THẾ GIỚI

    Chúng ta có thể hình dung một cái máy gõ nhịp ( métronome ) dùng cho người tập chơi đàn pi-a-nô ( piano ). Khi nghe máy gõ 60 nhịp một phút, thì mỗi nhịp gõ tương ứng với 1 giây của thế giới đang trôi qua.

    Cứ 2 giây, 2 tiếng gõ của máy báo cho chúng ta biết có 1 em bé đã chết vì một căn bệnh lẽ ra có thể ngăn ngừa được bằng thuốc men, bằng việc cung cấp thức ăn đầy đủ và nước uống sạch sẽ.

    Cũng vẫn 2 giây trong 2 nhịp gõ, lại có 1 đứa trẻ khác bị tàn tật vĩnh viễn về thể xác hoặc tinh thần bởi những chứng bệnh có thể ngừa trước bằng thuốc vắc-xin ( vaccin ) tiêm chủng.

    Như vậy, cứ 3 ngày lại có 120.000 trẻ em chết đi, con số tương đương với nạn nhân của quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Hi-rô-shi-ma ( Hiroshima ) của nước Nhật tháng 8 năm 1945.

    Cứ mỗi nhịp 1 giây, máy lại báo cho chúng ta một tin khác: chi phí về mặt vũ trang quân sự đã ngốn hết 25.000 đô-la, suy ra mỗi phút lãng phí mất 1 triệu rưỡi đô-la. Chỉ cần 3 giờ chi tiêu như vậy thì bằng chi phí 20 năm của chiến dịch tiêu diệt bệnh đậu mùa trên toàn thế giới. Chỉ cần nửa ngày chi tiêu thôi, cũng đủ để thực hiện chương trình tiêm chủng chống các bệnh truyền nhiễm mà mỗi năm vẫn cướp mất sinh mạng của 3 triệu rưỡi trẻ em trên thế giới. Chi tiêu vũ trang trong 4 ngày là đủ để phục vụ một chương trình chống bệnh sốt rét suốt trong 5 năm liền. Và với 6 tháng đã đủ để đài thọ một chương trình 20 năm liên tiếp cung cấp các thực phẩm cần thiết và nhu cầu y tế cho tất cả các nước nghèo và các nước đang phát triển !

    Khi các bạn nghe tiếng máy gõ mỗi giây 1 nhịp, thì nó còn truyền đi một tín hiệu thứ ba, rằng: thế giới đang đứng trước một nguy cơ vì các kho vũ khí hạt nhân hiện nay sau các đợt giải trừ của các cường quốc, vẫn còn sức mạnh tương đương với 16.000 triệu tấn thuốc nổ TNT ( Tri-ni-trô-tô-lu-en, loại chất nổ chỉ cần một vài thỏi nhỏ cũng đủ phá núi mở đường ).

    Nếu mỗi tiếng gõ thể hiện 1 vụ nổ mạnh 1 tấn TNT thôi, thì những tiếng phát nổ sẽ rền vang thành một chuỗi dài 500 năm liền !

    Đối với người thầy thuốc về tim mạch, thì chiếc máy gõ nhịp còn truyền đi một tín hiệu thứ tư: nó gợi lên nhịp đập trái tim của một con người. Chúng ta hãy tự hỏi: “Chúng ta sẽ buông xuôi để cho trái tim ấy ngừng đập, hay là chúng ta sẽ nỗ lực hoạt động cho hòa bình thế giới, nhằm đảm bảo cho trái tim ấy còn được đập mãi mãi theo nhịp sống yêu thương ?

    Bài của bác sĩ BERNARD LOWN,
    báo LE COURIER DE L’UNESCO.
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Tuesday, March 08, 2005

    ĐỂ TỎ LÒNG BIẾT ƠN

    ĐỂ TỎ LÒNG BIẾT ƠN

    Tuần trước, vào một buổi chiều đẹp trời, tôi đi taxi. Cứ nhìn cái cách anh tài xế sang số xe một cách nóng nẩy, tôi hiểu ngay là anh ta đang có điều gì không ổn trong tâm trí. Lựa lời hỏi han, tôi được anh cho biết lý do: “Bực mình quá anh ạ ! Sáng nay, có một người khách bỏ quên ví tiền trên xe của tôi. Tôi mở ví để tìm địa chỉ mới biết trong ví có 1.500 quan tiền Pháp. Tôi bỏ hơn 1 giờ để tìm cho ra khách sạn ông ấy trọ. Anh có tin là ông ta chẳng thèm nói một lời với tôi không ? Ông ta mở ví đếm lại tiền, nhìn tôi chằm chằm y như tôi đã móc túi ông ta vậy !

    Tôi tế nhị hỏi thêm anh tài xế: “Thế ông ấy không biếu anh một chút sao ?” Anh ta ngoái lại băng ghế sau nhìn tôi phân bua: “Không một xu ! Tôi hoàn toàn thất vọng, mất bao nhiêu thì giờ, lại tốn xăng nữa chứ ! Thật ra, tôi không nghĩ đến chuyện được thưởng tiền. Giá như ông ta chỉ cần nói với tôi một lời cảm ơn...”

    Mọi người chúng ta đều cần một sự biết ơn tương xứng với hành động của mình. Lòng vô ơn dễ bóp chết thiện ý. Và chúng ta nhớ rằng sự biết ơn là một đức tính mà chúng ta không bao giờ thực hành cho đầy đủ.

    Trong chiến tranh thế giới lần hai, bà mẹ của một người lính nhảy dù Mỹ nhận được thư con từ bên Pháp. Anh kể rằng anh bị thương, bị đói khát, nhưng lại được một phụ nữ ở làng A-vrăng-shơ ( Avranches ) nuôi dưỡng và che giấu khỏi quân Đức đang chiếm đóng. Rủi thay, vài tháng sau, người lính tử trận trong khi tấn công vùng Ác-đen ( Ardennes ). Để cám ơn người phụ nữ chưa biết tên kia, trong suốt 2 năm, bà mẹ đã để dành tiền, vượt Đại Tây dương, đến thành phố được nhắc đến trong thư con. Bà tìm được người phụ nữ đã săn sóc con bà và tặng một gói quà nhỏ. Đó là chiếc đồng hồ mà con bà đã lĩnh thưởng trong kỳ thi tú tài, một kỷ vật vô giá đối với bà. Việc bà mẹ tỏ lòng biết ơn đã gây xúc động cho người dân miền Noóc-măng-đi ( Normandie ) nước Pháp, đến nỗi cử chỉ ấy trở nên một huyền thoại tại A-vrăng-shơ và toàn vùng...

    Lòng biết ơn là một nghệ thuật chứng tỏ mình nhạy cảm với mọi thiện ý của người khác, dù điều ấy lớn hay nhỏ. Đa số chúng ta đều cảm thấy vui thích khi được người khác đối đãi tử tế, tặng quà hoặc giúp đỡ khi cơ nhỡ. Nhưng chúng ta cũng cần hoàn thiện việc tỏ lòng biết ơn bằng cách làm cho nó trở nên càng chân thành và càng riêng tư càng tốt. Quả thật, không có gì xúc phạm người khác bằng một lời cảm ơn qua loa, nói cho lấy có nơi đầu môi chót lưỡi !

    Nhà viết kịch nổi tiếng của Hoa-kỳ là ông Giêmx Be-ri ( James Barrie ) kể lại một câu chuyện như sau: “Một chiều nọ, tôi và một người bạn Tô-cách-lan ( Scottland ) đang bàn chuyện làm ăn. Đứa con gái 9 tuổi của ông ấy đem đến một đĩa bánh ngọt do bé mới làm xong. Ông bố bực mình vì câu chuyện bị ngắt ngang, liền cầm một chiếc bánh cắn một chút, nói vội một lời cảm ơn con cho xong để tiếp tục nói chuyện với tôi. Cô bé lặng lẽ rời căn phòng. Vài tuần sau. mẹ cô hỏi sao bé không còn hí hửng làm bánh ngọt như mọi khi thì bé òa khóc: “Con sẽ không bao giờ làm bánh nữa đâu !”

    Lòng biết ơn đôi khi cũng vượt quá khuôn khổ chuyện riêng tư. Con trai tôi, một sinh viên y khoa kể rằng, một bệnh nhân đã được cứu sống nhờ truyền máu. Sau khi lành bệnh, ông ta hỏi các bác sĩ liệu có cách nào biết được tên người đã hiến máu cho ông. Người ta trả lời là không. Vài tuần sau, ông ta trở lại bệnh viện và xin hiến máu. Và ông đã hiến khá nhiều lần. Một bác sĩ ngạc nhiên về nghĩa cử của ông thì ông đơn giản đáp: “Có một người vô danh đã hiến máu cho tôi. Nay tôi cũng xin hiến máu để tỏ lòng biết ơn !”

    Cũng cần phải nghĩ rằng lòng biết ơn có thể không đơn thuần là một tình cảm chóng qua, nhưng lại là một nguồn mạch làm trỗi dậy sức sống trong một số trường hợp. Nhà vạn vật học Huýt-xân ( Hudson ) kể lại câu chuyện sau đây: “Một tối nọ, tôi dẫn một người bạn thân về nhà chơi, có gì ăn nấy. Sau bữa ăn, ông bạn ấy bảo tôi: “Bạn may mắn có người vợ lo lắng sửa soạn những bữa ăn thật tuyệt vời, mặc dù tôi thấy chị có vẻ yếu và nặng gánh con cái.” Chính lời khen này đã mở mắt cho tôi. Lời khen ấy giúp tôi nhìn thấy sự anh hùng trong đời thường của vợ tôi mà vốn dĩ trước đó, tôi cứ xem là chuyện thường tình !”

    Lòng biết ơn cần được biểu lộ cả trong từng chi tiết nữa. Người đưa thư, anh thợ hớt tóc, cô thợ may, người phục vụ khách sạn... họ đều giúp đỡ một cách nào đó cho chúng ta lúc này lúc khác. Khi cảm ơn họ, chúng ta biến các quan hệ máy móc thành ra nhân bản hơn, và biến các công việc nhàm chán đều đặn thành ra hết sức dễ chịu.

    Một bệnh nhân của tôi, vốn là nhân viên bán vé xe buýt ở Luân-đôn ( London, thủ đô nước Anh ) kể với tôi: “Đôi khi tôi chán ngấy công việc. Người ta cự nự, quấy rầy tôi hoặc kêu ca là không đủ tiền nên không chịu mua vé. Thế nhưng, có một bà cụ già đi chuyến xe buổi sáng và buổi tối đã luôn cảm ơn tôi rất lịch sự khi tôi trao vé cho bà. Tôi tưởng tượng như thể bà đang nhân danh tất cả mọi hành khách để cảm ơn tôi, và điều đó làm cho tôi thấy phấn chấn hơn trong công việc...”

    Một số người rất ngại việc diễn tả sự biết ơn, sợ rằng sẽ quấy rầy kẻ khác. Một bệnh nhân của tôi, vài tuần sau khi rời bệnh viện, đã trở lại để cảm ơn cô y tá. Ông nói: “Tôi không đến sớm hơn được, vì tôi cứ ngần ngại, nghĩ rằng chị không thích những người đến cám ơn...” Cô y tá đáp: “Trái lại chứ ạ ! Tôi rất mừng vì ông đã trở lại đây thăm tôi. Rất ít người hiểu rằng chúng tôi cần đến những lời khuyến khích động viên để chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa công việc của mình...”

    Chúng ta đừng sợ là mình biểu lộ sự biết ơn quá nhiều. Chúng ta đừng quên rằng nụ cười, lời cảm ơn, lời nói tri ân của chúng ta sẽ đem lại bao lợi ích cho nhiều người trong cuộc sống của họ...
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • TRÁI TÁO SINH NHẬT

    TRÁI TÁO SINH NHẬT

    Quả thật không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của một bà mẹ vừa sinh con. Đức Ma-ri-a đã rất mệt mỏi sau những ngày hành trình dài vất vả trở về Bết-lê-hem giữa lúc bụng mang dạ chửa, thế nhưng khi Con Thiên Chúa giáng sinh với bao nhiêu hiện tượng kỳ diệu của trời đất, thì Mẹ sung sướng ngất ngây, luôn miệng hòa theo bài ca của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương...”

    Khi tiếng đàn hát của thiên thần vừa dứt hẳn, tan biến vào bầu trời đêm thăm thẳm,và khi người mục đồng cuối cùng vừa lui bước trở ra, Đức Mẹ định cho Chúa Hài Đồng bú sữa trước khi đi ngủ, thì bỗng dưng có tiếng kẽo kẹt ngoài cửa chuồng bò, làn gió lạnh lùa vào hang. Đức Ma-ri-a nhìn ra cửa: một người choàng chiếc áo dài đen, với khăn phủ đầu cũng màu đen trải dài từ đầu xuống chân, mệt nhọc lê bước vào.

    Qua ánh lửa mờ ảo lập lòe của ngọn bạch lạp không đủ chiếu sáng, Đức Mẹ cảm thấy lo ngại, liền vội đánh thức Thánh Giu-se dậy. Thật khó mà nhận diện được người lạ mặt này là ai vì chiếc khăn che hết mặt, chỉ để lộ ra hai con mắt. Người lạ có vẻ ngập ngừng sợ hãi, từ từ bước đến gần máng cỏ nơi Chúa Hài Đồng đang nằm ngủ mơ màng.

    Bỗng nhiên, khách lạ quỳ sụp xuống, lạy Con Thiên Chúa nhiều lần. Trong lúc ngẩng mặt lên, chẳng may chiếc khăn che mặt rơi xuống, Đức Mẹ kinh hãi kêu lên “Chúa ơi !”. Đó là một bà cụ già. Mẹ vội níu chặt cánh tay Thánh Giu-se như để tìm sự che chở. Bộ mặt của người bà cụ này trông khiếp quá ! Các nếp nhăn chồng chất và mái tóc bạc trắng cho thấy tuổi tác có lẽ phải đến cả ngàn năm !

    Đến đây thì bà cụ lôi trong chiếc bọc đeo bên mình ra một trái táo đỏ như máu, rồi dùng cả hai tay trịnh trọng đến đặt vào vòng tay Chúa Hài Đồng như một lễ vật. Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se theo dõi từng cử chỉ của bà cụ. Mẹ chợt nhớ đến một truyện cổ tích về một mụ phù thủy chuyên hại những đứa bé bằng cách cho ăn một trái táo độc, Mẹ định chạy tới giật lấy trái táo vất đi. Nhưng không kịp nữa rồi, Hài Nhi Giê-su đã mớ hé đôi mắt, mỉm cười giơ tay cầm chặt lấy trái táo !

    Lạ lùng thay, trái táo màu đỏ đã dần dần chuyển sắc thành màu xanh nước biển với những vệt loang màu nâu đất và lá cây. Cùng một lúc, gương mặt già nua cằn cỗi, nhăn nheo sần sùi của bà cụ cũng từ từ biến đổi thành ra trẻ trung xinh đẹp như một phụ nữ chỉ độ 25 tuổi ! Bà ta hân hoan mừng rỡ, lại quỳ xuống lạy tạ Chúa Giê-su, quay sang vái chào Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se rồi vội vàng chạy ra khỏi hang...

    Bỗng từ trời cao có tiếng phán bảo: “Ta sẽ ban cho nhân loại một E-và mới, Người sẽ đạp giập đầu con rắn ( Sáng Thế 3, 15 ). Đức Mẹ hiểu ngay rằng người phụ nữ vừa rồi chính là E-và, bà tổ nguyên thủy của nhân loại. Bà ấy vừa dâng cho Chúa trái táo tội lỗi mà bà đã ăn ngày xưa vì nghe lời xúi bẩy của ma quỷ. Đó là trái táo định mệnh, trái táo oan nghiệp, kết tinh bởi tội lỗi của nhân loại từ hàng vạn năm trước. Nhưng khi Chúa Giê-su vừa đón lấy, trái táo đỏ tức thì biến thành một quả địa cầu ngọc bích chiếu sáng lung linh, tràn đầy bình an và hy vọng...
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • ĐÓA HOA TẦM THƯỜNG

    ĐÓA HOA TẦM THƯỜNG

    Buổi sáng dắt xe đi làm, tiễn tôi có màu tím, hồng, trắng của những đóa hoa dại nho nhỏ chen giữa khóm thủy trúc tán xòe. Buổi chiều mệt nhọc trở về, chậu cúc vạn thọ vẫn kiên nhẫn chờ vàng cả mái đầu... Dẫu tầm thường đến đâu, dẫu chỉ là những bông bìm bìm đeo rào hay vạt mào gà chen chúc mảnh đất tí xíu, thế giới của hoa vẫn có riêng sắc màu, hình hài và thời điểm bừng nở của chúng. Buồn thay, vẻ đẹp diệu kỳ của những thứ hoa bình dị ấy lại thường vấp phải con mắt dửng dưng của tôi, cứ mải quay cuồng trong giòng chảy hối hả của đời sống hiện đại thường nhật.

    Thế rồi sáng nay, bất chợt, một câu thơ của thi hào Ấn-độ Rabindranath Tagore trở lại bàng hoàng trong tâm trí tôi: “Chúng ta vội vàng đến nỗi quên cả những bông hoa trên hàng giậu ven đường. Ấy thế nhưng hoa vẫn cứ vô tình phả những thanh âm vào mùa quên lãng của chúng mình...” Những nỗ lực kiếm tiền, nỗ lực đạt những kỳ hạn, những thành công, phải châng tôi và bạn đã thường quên tận hưởng những niềm vui quá dung dị mà thiên nhiên đã ban tặng ? Như cậu hoàng tử bé bảo với người bạn phi công: “Em được biết có một hành tinh, nơi có một người mặt đỏ gay trú ngụ. Ông ta chưa bao giờ ngửi lấy một đóa hoa. Ông ta chưa bao giờ nhìn lấy một ánh sao trời. Ông ta chưa bao giờ yêu lấy một ai. Trong đời mình, ông ta chưa bao giờ làm được điều gì ngoại trừ việc cứ hí hoáy cộng những con số. Ông ta có phải là người nữa đâu, ông ta chỉ là một chiếc nấm không hơn không kém !”

    Tôi chợt nghĩ, biết đâu cũng có rất nhiều người trên hành tinh của chúng ta đang ngày càng bắt đầu giống hệt “chiếc nấm” của Xanh-Tếch-xu-pê-ri ( Saint-Exupéry ) tác giả cuốn Hoàng Tử Bé ( Le Petit Prince ). Bận rộn leo lên những ngọn núi cao, ai trong chúng ta còn màng để ý đến một tảng đá phủ rêu, một cánh hoa vàng dại, thậm chí, cả những khuôn mặt người mà chúng ta gặp dọc đường ?

    Nếu hôm qua tôi không quá bận tâm về bản thân mình, biết đâu tôi đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp, sự êm dịu và cả nỗi đau của bao con người, của muôn loài muôn vật quanh tôi ?
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Friday, March 04, 2005

    VÒNG TAY YÊU THƯƠNG

    VÒNG TAY YÊU THƯƠNG

    Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi thuộc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Minh Hải nằm cách thị xã Cà-mau non 7 cây số. Ở đây nắng đang gay gắt, cảnh vật im lìm. Khi nghe tiếng xe của chúng tôi, một đám trẻ chạy túa ra. Dấu ấn đầu tiên đối với tôi là những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác dè chừng.

    Đáng mặt chị hai nhất trong đám trẻ mồ côi này là em La Thái Phụng, 14 tuổi, mồ côi từ lúc lọt lòng. Cha mẹ đã vứt bỏ em ở Cầu-mới rồi bỏ đi biệt xứ. Một bà mẹ mù động lòng trắc ẩn nhặt lấy đem về nuôi. Hai mẹ con bảo bọc nhau mà sống cho đến khi bà mẹ qua đời vì già yếu. Bà con họ hàng của bà cho rằng Phụng là thứ con xin con lượm, làm sao mà được hưởng ngôi nhà, dù ọp ẹp rách nát của bà mẹ nuôi. Vậy là cô bé mồ côi đến hai lần ấy buộc phải bước ra hè phố...

    Cũng những ngày đó, trên một cái chòi nhỏ chừng 4 mét vuông ở phường 4 thị xã Cà-mau lại có một trường hợp thương tâm khác. Đó là mảnh đời của hai anh em Giỏi và Hận. Cha mất từ lâu, mẹ đi bán khoai luộc làm kế sinh nhai. Gánh nặng cuộc sống cứ đè trĩu lên đôi vai người mẹ bất hạnh. Hai đứa trẻ phải thường xuyên chịu bữa đói bữa no. Tội nghiệp nhất là thằng Giỏi, nó bị sốt bại liệt từ nhỏ. Với cặp chân teo nhách, nó chỉ biết bò lê bò lết tối ngày trên cái chòi đầy muỗi mòng ấy.

    Cũng có trường hợp đến 5 anh em ruột dắt díu nhau đến nhà nuôi trẻ mồ côi. Chúng ở phường 8, cha bị rắn hổ cắn chết. Sau một thời gian, người mẹ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo ung thư vú cũng đột ngột qua đời, để lại 7 đứa con nheo nhóc. Bà con thân tộc không khá giả gì mấy để cưu mang chúng. Đứa chị gái lớn nhất mới 16 tuổi phải đi lột vỏ tôm gia công ở nhà máy đông lạnh. Nhưng đồng tiền kiếm được chỉ đủ để nuôi đứa út ít. Ngày mà 5 đứa em kia phải dắt díu nhau ra đi, người chị ấy đã tủi thân khóc nức nở. Nhưng đành vậy, biết phải làm sao hơn ?

    Cảnh ngộ của 3 chị em Đông, Phương và Tây ở xã Tân Hưng Tây huyện Cái-nước cũng chẳng hơn gì. Đứa lớn nhất mới 8 tuổi, cha là thương binh hạng Ử bị chấn thương sọ não, mẹ nhẫn tâm bỏ đi từ lâu. Ngày mới về nhà trẻ mồ côi, ba đứa cứ ăn cơm ngấu nghiến ngon lành. Hóa ra trước đây chúng nào có được no bữa nào đâu. Đói quá thì bẻ đu đủ xanh nấu ăn. Hai ba ngày mới mua được chút gạo nấu chão loãng vì khoản phụ cấp thương binh của người cha không sao đủ ăn qua ngày !

    Tuy nhiên 3 chị em Đông, Phương và Tây thì nay vẫn còn có một người cha để mà nhớ để mà mong một ngày gặp lại. Còn như bé Thảo Nhi thì quả thật bất hạnh. Mẹ đã bỏ bé ở bệnh viện Bạc-liêu khi vừa lọt lòng. Các sản phụ chung phòng đã động lòng, thay phiên nhau cho cháu bú, được 12 ngày tuổi thì các cô ở nhà nuôi trẻ mồ côi lên đón bé về. Nhìn nước da ngăm đen, đôi mắt to và sâu có ngấn, người ta đoán bé là người Việt lai Khơ-me. Và chỉ vậy thôi !

    Cho đến nay thì đã có 26 mảnh đời bất hạnh như vậy trôi giạt về đây. Các cô giáo bảo rằng ban đầu thật khó rèn chúng vào khuôn phép. Cái gì đối với chúng cũng đều lạ lẫm. Có đứa thậm chí không biết cái ti-vi hay cái vòi nước máy là cái gì ! Nhưng rồi tất cả đã quen, bây giờ thì các em đều đã có cho mình một nơi ở rộng rãi thoáng mát. Những bữa ăn được chăm chút tận tình.

    Thằng bé Giỏi bị sốt bại liệt thuở nào, nay đã tập tễnh đi được. Bằng cái giọng còn ngọng nghịu, nó cứ bi bô hát suốt ngày. Còn thằng bé chăn vịt ngày xưa thì nay đã cắp sách đến trường... Tất cả những đổi thay này đã bắt nguồn từ tấm lòng nhân ái chung của xã hội. Một bà Việt kiều ở Mỹ về thăm, đã trao tặng cho Trung Tâm số tiền bảo trợ đầu tiên là 50.800 đô-la. Mọi người đều được bà cho biết trước đây bà đã từng là một trẻ mồ côi rồi tự lập mà bước vào đời. Có lẽ do vậy mà bà dễ cảm thông hơn với các số phận trẻ mồ côi chăng ?

    Và đây đó vẫn còn có những tấm lòng nhân ái. Cô giáo Thắm, 39 tuổi, quê ở huyện Cái-nước, không lập gia đình và đến với nhà nuôi dạy trẻ mồ côi ngay từ những ngày đầu tiên. Kể từ ngày đón bé Thảo Nhi mới 12 ngày tuổi về, cô Thắm tất tả lo toan cho bé như một bà mẹ thực thụ. Cũng phải tã lót, thức khuya dậy sớm. Đến nay bé đã được 6 tháng, bụ bẫm đáng yêu. Cô Thắm bảo: chính Thảo Nhi là sợi dây tình cảm gắn cô với cả nhóm trẻ mồ côi này. Dẫu cho cuộc sống khó khăn, cô cũng không sao đành lòng dứt bỏ chúng được...

    Lại có anh Lê Hồng Dễ, nhân viên của nhà nuôi trẻ mồ côi, thấy tụi nhỏ đa số đều không biết đọc biết viết, anh liền đứng ra mở lớp học tình thương. Dù việc làm này không giúp tăng thêm khoản phụ cấp nhỏ nhoi nào, anh cũng không hề kêu ca... Chị Kim Hui, giám đốc trung tâm, bức xúc nói: “Hiện tại những em ở đây chỉ được nhà nước cấp cho 3.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, và chỉ có vậy thôi. Cơ sở chất thì còn hết sức nghèo nàn thiếu thốn, trường học tại chỗ cũng chưa có, các em ngày nào cũng phải lội bộ trên 3 cây số để đến trường. Trong khi theo dự kiến từ đây đến cuối năm, trung tâm sẽ phải nhận nuôi đến 40 cháu.”

    Toàn tỉnh Minh-hải hiện có 430 thiếu nhi lang thang, 3.842 trẻ mồ côi và 4.627 em bị tật nguyền. Đến bao giờ những trung tâm như thế này mới đến được với các cháu ?
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • MỘT CỬ CHỈ ĐẸP

    MỘT CỬ CHỈ ĐẸP

    Bà Pho-rơ-man ( Foreman ) dừng chiếc xe hơi của mình ngay ở một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc ( highway ). Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dãy dài xe hơi sau mình. Bà chợt nẩy ra một ý vui vui, bà quay kính xe xuống, đưa ra cho người bán vé một tờ 5 đô-la và bảo: “Bác ơi, tôi mua một vé cho tôi, còn lại tôi mua thêm 5 vé nữa cho 5 chiếc xe sau tôi, chỗ tiền dư tôi xin biếu hết cho bác nhé !”

    Không kịp để cho người bán vé thắc mắc vì quá sức ngạc nhiên, bà Pho-rơ-man quay kính xe, đạp ga và lái xe đi ngay. Bà hình dung ra trong đầu cũng sự ngạc nhiên đầy thú vị ấy nơi 5 người lái xe theo sau mà bà không hề quen biết. Bà không cần những lời cám ơn, chỉ là một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ thôi mà, có đáng gì đâu !

    Về đến nhà, bà Pho-rơ-man vừa làm bếp vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay trên đường. Ông chồng già để ý thấy, lấy làm lạ, đến bữa ăn trưa ông lựa lời hỏi, bà mới kể lại đầu đuôi. Đến phiên ông cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy...

    Buổi chiều, đến trường dạy môn Giáo Dục Công Dân, ông Pho-rơ-man quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về “cử chỉ đẹp” của bà vợ để dẫn nhập vào bài học. Các học sinh trung học của ông lặng đi một thoáng rồi đồng loạt vỗ tay hoan hô sau lời kết thúc của thầy giáo: “Các em hãy nhớ niềm vui sống khởi đi từ những chuyện bình thường nho nhỏ như thế, mỗi ngày ước gì mỗi người trong chúng ta đều làm được ít nhất một “cử chỉ đẹp” tương tự, các em nhé !”

    Ở lớp hôm ấy, có cô bé Me-ri ( Mary ), vốn là một học sinh cá biệt, luôn bướng bỉnh lì lợm, cũng như là một đứa bé lười biếng trong gia đình. Cô về nhà trong tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi và quyết định sẽ làm một “cử chỉ đẹp” với cha mẹ. Cô lặng lẽ thu dọn, lau chùi, quét tước nấu nướng và giặt giũ xong xuôi mọi việc trước khi mẹ cô ở xưởng thợ và cha cô ở tòa báo trở về. Xập tối, hai ông bà bước vào nhà và hiểu ra ngay đã có một sự đổi thay kỳ lạ nơi đứa cô con gái đang tuổi dậy thì ! Hỏi mãi cô bé mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” cô đã nghe thầy giáo Pho-rơ-man kể ở lớp. Cô hứa với bố mẹ tất cả mọi chuyện hôm nay cô đã làm ở nhà sẽ không phải là một “cử chỉ đẹp” duy nhất cô sẽ cố gắng thực hiện.

    Sau bữa cơm chiều thật vui và đầm ấm, ông An-phôngx ( Alfonse ), cha của Me-ri, vốn là một phóng viên của tờ báo địa phương, khoan khoái ngồi vào bàn làm việc. Ông quyết định phải viết ngay một bài báo về câu chuyện “cử chỉ đẹp”... Chỉ đến chiều ngày hôm sau thôi, cả miền đều xôn xao rộn rã khi đọc được bài báo. Người ta bảo nhau, ít nhất mỗi ngày, hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ cho nhau, cho cuộc sống...

    Cha xứ đưa câu chuyện vào bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật kế đó. Một diễn giả chọn câu chuyện làm chủ đề chính cho một buổi mạn đàm ở hội trường lớn của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho đứa con như một truyện cổ tích để ru nó vào giấc ngủ ngon. Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau cùng thỏa thuận từ nay sẽ dành cho nhau những “cử chỉ đẹp” thay vì những trò giận dỗi nhau vô bổ. Ngoài đường phố, người ta thôi không vứt bã kẹo suynh-gum bừa bãi. Những người lái xe cố gắng tránh không làm tạt những vũng nước trên đường lên khách bộ hành. Một cậu Sói Con bước ra khỏi nhà, thắt một chiếc nút nhỏ ở chéo đuôi khăn quàng trên ngực, tự nhủ sẽ làm một “cử chỉ đẹp” trên đường đến công viên họp bạn Hướng Đạo. Trong nhà giam, viên cai ngục bẳn tính quyết định sẽ có những “cử chỉ đẹp” đối với các tù nhân. Người đi mua hàng ở tiệm tạp hóa nói một lời cám ơn lịch sự, còn cô bán hàng thường hay cau có thì đã biết mỉm một nụ cười khả ái để đáp lại. Một cầu thủ bóng đá vốn nổi tiếng là chơi xấu, giờ đây, trong trận đấu cuối tuần, đã chạy lại đỡ một cầu thủ đội bạn bị ngã với một lời xin lỗi...

    Một “cử chỉ đẹp”, vâng, chỉ một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ mỗi ngày thôi, cũng đủ để làm cho cuộc sống thêm ý nhị đậm đà, và niềm vui bởi sự quan tâm đến nhau trong yêu thương được nhen nhúm, rồi bừng cháy, lan tỏa đến tất cả mọi người...

    Ghi lại từ một bài giảng của Linh Mục TIẾN LỘC, DCCT.
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • BÍ MẬT CỦA CHIẾC HỘP NHỎ MÀU ĐEN

    BÍ MẬT CỦA CHIẾC HỘP NHỎ MÀU ĐEN

    Theo tôi, điều khó khăn nhất mà một người phải làm là gom góp thu dọn đồ đạc của người thân yêu sau khi người ấy vừa qua đời. Đối với tôi, vốn dĩ mồ côi mẹ từ lúc lên 5, thì cha tôi vừa là người cha cũng lại vừa là người mẹ. Do vậy, khi cha tôi nằm xuống vì chứng ung thư xương vào tuổi 75, thì tôi đâm ra ngã lòng tuyệt vọng thật sự ! Nhiều lúc tôi vẫn mong ông sống mãi trên cõi đời này. Thế nhưng giờ đây tôi phải đối mặt với những kỷ vật của ông còn lưu lại...

    Khi còn nhỏ, một ngày nọ, tôi nghe cha sai người chị cả của tôi vào phòng ông để lấy một ít tiền từ một chiếc hộp màu đen. Tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao tôi lại không được phép nhìn vào trong chiếc hộp ấy xem nó dựng cái gì mà có vẻ bí mật thế ? Có lẽ vì tôi còn là một đứa bé, hay vì chị tôi có một vài đặc quyền mà tôi không có được ?

    Năm tháng qua mau, tôi càng lớn lên thì cha tôi càng già yếu. Mái tóc ông bạc đi, khuôn mặt nhăn nheo và tấm thân bắt đầu gập lại. Tuy nhiên, nụ cười tươi vẫn cứ luôn đọng lại trong đôi mắt của ông, và nó sẽ còn đó cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.

    Khi dọn dẹp và lôi ra mọi thứ trong phòng ông, thật sự là tôi không còn nhớ đến chiếc hộp màu đen. Các thứ trong ngăn kéo đều đã được lấy đi, đồ đạc cũng được dọn bớt, căn phòng giờ đây trống vắng làm sao. Bạn sẽ biết sống như thế nào khi không còn người mà bạn yêu thương nhiều nhất, con người mà dù bạn đã lớn khôn vẫn sẽ mãi mãi rất cần thiết cho cuộc đời của bạn ?

    Khi mở đến chiếc tủ sau cùng, mắt tôi bỗng chạm phải chiếc hộp màu đen. Đó là một chiếc hộp dẹt bình thường bằng kim loại bọc da, các cạnh hộp đã rách và mòn đi rất nhiều. Nhẹ nhàng mở ra, tôi lần đầu tiên được nhìn thấy mọi thứ bên trong. Những gì tôi tìm được ở đây đã kéo tôi trở ngược về quãng đời thơ ấu, gặp lại người mẹ với bao kỷ niệm buồn vui. Bên trong hộp chính là tất cả những gì thiêng liêng mà người cha thân yêu của tôi đã gìn giữ: Tờ hôn thú với chữ ký của mẹ, một tấm ảnh đẹp nhất của mẹ trong chiếc váy dài màu vàng mà cha thích nhất, một tấm ảnh chụp tôi lúc lên 6 với những lời đề tặng nguệch ngoạc của một đứa trẻ “Tặng ba và mẹ của con”, ngoài ra còn rất nhiều tấm thiệp. Đó là những tấm thiệp của năm tháng đã qua, mỗi tấm đều có ghi chú của tôi ở bên trong để cho cha biết tôi yêu thương cha như thế nào.

    Hóa ra, tôi đã có mặt ở bên trong chiếc hộp màu đen, mẹ tôi cũng thế ! Không có tiền, không một loại giấy tờ quan trọng nào, chỉ có những món đồ tưởng chừng là vô giá trí nhưng lại có ý nghĩa biết bao ! Tôi hình dung ra cha tôi đã nhiều lần lặng lẽ lôi chiếc hộp ra nhìn ngắm mọi thứ, ông đã mỉm cười và nói thầm một mình. Tôi nghĩ rằng cha đã thường làm như thế nhiều lần lắm trong bao nhiêu năm qua, vì mọi thứ đều cũ kỹ sờn rách...

    Giờ đây chiếc hộp đã thuộc về tôi. Khi tôi nhắm mắt xuôi tay, nó sẽ lại thuộc về các con tôi. Và ở bên trong, chúng cũng sẽ tìm thấy những gì thân thương nhất của tôi. Chúng sẽ có được một gia tài lớn ở bên trong chiếc hộp nhỏ màu đen, đó là tình yêu và niềm tin của tôi. Tôi tin chúng sẽ nhận ra rằng điều quan trọng thật sự và duy nhất trong cuộc đời này chính là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau...
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Wednesday, March 02, 2005


    Voi DGM Nguyen Chu Trinh dia phan Xuan Loc, va vo Hanh Thi Lee, tai luu hoc xa Anna, Long Khanh  Posted by Hello
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?