Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Monday, July 12, 2010

CUỘC KHỔ NẠN CỦA GIÁO HOÀNG BENEDICT


CUỘC KHỔ NẠN CỦA GIÁO HOÀNG BENEDICT






Cuộc khổ nạn của Giáo hoàng Benedict. Sáu cáo trạng, Một câu trả lời.



Nạn ấu dâm chỉ là vũ khí mới nhất nhằm chống lại Joseph Ratzinger. Và mỗi lần, ngài lại bị tấn công vào đúng chỗ ngài thực thi vai trò lãnh đạo của mình nhiều nhất. Từng vụ một, đây là các điểm phê phán triều đại giáo hoàng này.



Rome, April 7, 2010 - Cuộc tấn công đánh vào giáo hoàng Joseph Ratzinger, dùng vũ khí vụ tai tiếng gây ra bởi các linh mục thuộc Giáo hội của ngài, là một hằng lượng dưới triều đại giáo hoàng này.

Gọi đó là một hằng lượng, bởi vì, mỗi lần, trên những địa hạt khác nhau, đánh vào Benedict XVI có nghĩa là đánh vào chính con người đã hoạt động và còn đang hành động, cũng trên chính những địa hạt đó, với viễn kiến, với quyết tâm và với thành công lớn nhất.

xxx


Sóng gió nổi lên tiếp theo sau bài diễn từ của ngài tại Regensburg hôm 12 tháng 9 năm 2006 là cú đầu tiên trong một loạt những cuộc tấn công. Benedict XVI bị tố cáo là kẻ thù của Hồi giáo, là người đề xuất kích động nên cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Mà ngài lại chính là con người, với sự trong sáng giản dị và tấm lòng can trường, đã vạch ra đâu là gốc rễ rốt ráo của những bạo hành, tìm thấy trong ý niệm Thiên Chúa bị cắt lìa ra khỏi tình trạng lý trí, và rồi nói ra cách thức để lướt thắng được.

Nạn bạo hành và cả đến giết chóc tiếp theo sau những lời của ngài, đã là bằng chứng đáng buồn rằng ngài nói đúng. Nhưng, trên hết cả, sự kiện ngài đã đánh trúng vào yếu điểm đã được xác nhận bằng những tiến bộ trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo xảy ra sau đó -- không phải không kể tới, mà là bởi vì bài diễn từ tại Regensburg - và lá thư của 138 nhà trí thức Hồi giáo gửi cho Đức giáo hoàng, cũng như cuộc thăm viếng Thánh đường Xanh tại Istambul, đã là những dấu hiệu rõ rệt và hứa hẹn nhất.

Với Benedict XVI, cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo, cũng như đối với các tôn giáo khác, nay đang được tiến hành với ý thức rõ rệt hơn về những gì tạo ra khác biệt, trong phạm vi đức tin, và về những gì có thể kết hiệp các bên, đó là luật thiên nhiên được Thiên Chúa viết trong tâm khảm mỗi con người.

xxx


Đợt cáo buộc thứ hai chống Đức giáo hoàng Benedict mô tả ngài là kẻ thù của lý trí hiện đại, và đặc biệt là biểu hiện tối cao của nó, tức là khoa học. Đỉnh điểm của chiến dịch thù nghịch này xảy ra vào tháng giêng năm 2008, khi các giáo sư buộc Đức giáo hoàng phải hủy bỏ cuộc thăm viếng ngôi trường đại học chính thuộc giáo phận của ngài, đó là trường Đại học "La Sapienza" ở Rome.

Vậy mà – cũng như trước đây tại Regensburg và rồi tại Paris ngày 12 tháng 9 năm 2008 ở trường Collège des Bernadins – bài diễn từ mà ngài có ý định đọc tại trường Đại học ở Rome lại là một bảo vệ rõ rệt tính liên hệ bền vững giữa đức tin và lý trí, giữa chân lý và tự do: “Tôi không đến để áp đặt đức tin, nhưng để kêu gọi lòng can đảm tìm hiểu sự thật.”

Điều nghịch lý : Benedict là một “người soi sáng (illuminist)” lớn lao trong một thời đại mà chân lý có quá ít người ngưỡng mộ, còn hoài nghi thì chiếm thế thượng phong, đến độ muốn làm câm lặng cả chân lý.

xxx


Cáo buộc thứ ba tấn công có hệ thống vào Benedict XVI nói rằng ngài là một con người bảo thủ dính chặt vào quá khứ, là kẻ thù của những tiến triển mới do Công đồng Vatican II mang lại.

Bài diễn từ ngài đọc trước nhân viên Giáo triều Roma hôm 22 tháng 12 năm 2005 để giải thích về Công đồng, và trong năm 2007 về mở rộng tự do cho các nghi thức xưa của Thánh lễ, đã được những kẻ tố cáo ngài nêu lên làm bằng chứng.

Thực ra, cái Truyền thống mà Benedict XVI bày tỏ lòng trung thành, đó là truyền thống về lịch sử cao cả của Giáo hội, từ lúc khai nguyên cho đến ngày nay, chẳng có gì liên hệ tới sự bám chặt có tính cách công thức vào quá khứ. Trong bài diễn từ đọc trước giáo triều nêu trên, để minh họa cuộc “cải tổ trong tiếp nối” đề ra do Công điồng Vatican II, Đức giáo hoàng nhắc lại vấn nạn về tự do tôn giáo. Để khẳng định hoàn toàn điều này – ngài giải thích – Công đồng phải trở về với nguồn gốc của Giáo hội, tới các vị tuẫn đạo đầu tiên, tới “di sản sâu xa” của Truyền thống Kitô giáo đã bị mất mát đi trong những thế kỷ vừa qua, và đã tìm thấy lại được nhờ một phần ở cuộc phê phán lý trí của thời Khai minh.

Còn về vấn đề phụng vụ, nếu có một người chân chính nào làm bất diệt phong trào phụng vụ lớn lao đã từng nở rộ trong Giáo hội giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, từ Prosper Guéranger cho đến Romano Guardini, người đó chính phải là Ratzinger.

xxx


Địa hạt tấn công thứ tư chạy song hành với cuộc tấn công trước. Benedict XVI bị tố cáo là làm lệch hướng đi công cuộc đại kết, là đặt cuộc hòa giải với nhóm Lefèbvre trước cả cuộc đối thoại với các nhóm theo Kitô giáo khác.

Nhưng các sự việc đều chứng minh ngược lại. Từ khi Ratzinger làm giáo hoàng, cuộc lữ hành hòa giải với các Giáo hội Đông phương đã tiến đi về phía trước được những bước đặc biệt, cả với các Giáo hội Byzantine đang nhìn về tòa thượng phụ giáo chủ đại kết tại Constantinople, và – đáng ngạc nhiên nhất – với tòa thượng phụ giáo chủ tại Moscow.

Và nếu điều này đã xảy ra được, đó chính là vì sự trung thành làm sống lại Truyền thống cao cả -- bắt đầu với truyền thống của thiên niên kỷ thứ nhất – đó là một đặc điểm của vị giáo hoàng này, cộng thêm với việc là linh hồn của các Giáo hội Đông phương.

Về phía Tây phương, lại cũng chính sự mến yêu Truyền thống đang thúc đẩy các cá nhân và các nhóm trong Cộng đồng Anh giáo xin trở về gia nhập Giáo hội Roma.

Trong khi đó đối với nhóm Lefèbvre, điều làm cản trở sự tái nhập chính là vì sự bám víu của họ vào các hình thức quá khứ của Giáo hội và của tín lý đã bị đồng hóa sai lạc với Truyền thống hằng cửu. Việc cất vạ tuyệt thông cho bốn giám mục của nhóm này vào tháng giêng năm 2009, đã không ảnh hưởng gỉ đến tình trạng ly giáo họ vẫn còn đang duy trì, cũng như năm 1964 việc cất vạ tuyệt thông giữa Roma và Constantinople đã không làm lành được tình trạng ly giáo giữa Đông và Tây, nhưng đã tạo ra khả năng có thể có một cuộc đối thoại nhằm để hiệp nhất.

xxx


Trong số 4 giám mục được Benedict XVI cất vạ tuyệt thông có Richard Williamson, người nước Anh, là một người chống Do thái và chối bỏ không có nạn Diệt chủng của Đức quốc xã. Trong nghi thức xưa đã được cải tổ, còn có cả một một lời cầu nguyện xin cho người Do thái “nhận biết Chúa Giêsu Kitô là đấng cứu độ mọi người.”

Những yếu tố đó, cộng thêm với các sự việc khác nữa, đã giúp nuôi dưỡng một sự phản kháng triền miên của thế giới Do thái chống lại vị giáo hoàng đương đại, với những luận điểm đáng kể của chủ nghĩa cấp tiến. Và đây là trận địa thứ năm của những lời cáo buộc.

Vũ khí mới nhất trong cuộc phản kháng này là một đoạn trong bài giảng của linh mục Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của giáo triều, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, có sự hiện diện của Đức giáo hoàng. Đoạn bị kết tội là những câu trích dẫn từ lá thư của một người Do thái, nhưng bất kể như thế, tiếng ồn ào giận dữ lại đã đặc biệt nhắm vào Đức giáo hoàng. Vậy mà, không có gì lại mâu thuẫn hơn là tố cáo rằng Benedict XVI thù nghịch với người Do thái.

Bởi vì không có vị giáo hoàng nào trườc ngài đã đi rất xa trong việc xác định một cái nhìn tích cực về mối liên hệ giữa Kitô giáo và Do thái giáo, trong khi đó lại không hề đả động gì đến sự chia rẽ căn bản giữa hai phía, đó là sự kiện Chúa Giêsu có phải là Con Thiên Chúa hay không. Trong cuốn thứ nhất của bộ sách Chúa Giêsu người Nazareth xuất bản năm 2007 – cuốn thứ hai sắp được hoàn thành – Benedict XVI đã viết nên những trang tuyệt vời liên quan đến vấn đề này, khi đối thoại với một vi giáo trưởng Do thái hiện còn sống.

Và nhiều người Do thái quả thực đã thấy Ratzinger là một người bạn. Nhưng trong thế giới truyền thông quốc tế, đó lại là một vấn đề khác. Gần như có những làm mưa đạn rơi từ phía “hỏa lực bạn”. Từ những người Do thái đang đả kích vị giáo hoàng, một người hiểu biết và yêu thương họ hơn cả.




xxx


Cuối cùng, một cáo trạng thứ sáu – gần đây nhất – chống lại Ratzinger, đó là ngài đã “bao che” vụ tai tiếng các linh mục lạm dụng tính dục với trẻ em.

Cả ở đây nữa, sự tố cáo lại nhằm chính vào một người đã làm hơn bất cứ ai khác trong phẩm trật Giáo hội, để hàn gắn lại tai tiếng này.

Với những hiệu quả tích cực đã trông thấy đó đây. Đặc biệt là tại Hoa kỳ nơi xảy ra hiện tượng trong hàng giáo sĩ Công giáo đã giảm đi đáng kể trong những năm gần dây.

Nhưng những nơi nào vết thương còn đang rộng mở, như ở Ái nhĩ lan, chính lại Benedict XVI là người đòi hỏi Giáo hội nước đó phải đặt mình vào tình trạng hối cải, bước vào con đường cần thiết ngài đã vạch ra trong lá thư mục vụ độc đáo hôm 19 tháng 3 vừa qua.

Có sự việc là chiến dịch quốc tế chống nạn ấu dâm nay chỉ thu vào một mục tiêu duy nhất: Đức giáo hoàng. Các trường hợp được đào bới lại từ quá khứ luôn luôn có ý đồ dẫn ngược về ngài, cả trong thời kỳ ngài làm tổng giám mục Munich lẫn khi làm chủ tịch Thánh bộ Tín lý Đức tin, cộng thêm cả chuyện phụ lục ở Regensburg trong những năm em ngài là Georg hướng dẫn ca đoàn trẻ em nhà thờ chính tòa.

xxx

Sáu địa hạt kết án Benedict XVI vừa nêu trên đặt ra một câu hỏi:

Tại sao vị giáo hoàng này lại bị tấn công như thế, từ bên ngoài Giáo hội, và cả từ bên trong nữa, mặc dầu rõ rệt là ngài vô tội đối với lời kết án này?

Phần đầu câu trả lời là: ngài bị tấn công một cách có hệ thống chính vì công việc ngài làm, vì lời ngài nói, vì con người ngài hiện thân.


Nguồn: Sandro Magister. "The Passion of Pope Benedict. Six Accusations, One Question." Chiesa.com (April 4, 2010).





Tác giả: Phạm Hoàng Nghị

dunglac@gmail.com

Comments: Post a Comment

<< Trở Về Trang Chính - Home Page
Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?