Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Wednesday, June 15, 2005

RÚT KINH NGHIỆM LỊCH SỬ ĐỊNH HƯỚNG NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHO TƯƠNG LAI

(Lessons from the Past, Strategies for the Future)

Hoàng Quý viết theo Lm. Manny Flores, S.J.

Lts. Trong chiều hướng thu thập các tài liệu mang tính chất Thần Học Giáo Dân, chúng tôi xin giới thiệu bài viết giá trị sau đây của Linh mục Manny Flores, Dòng Tên. Xin mời quý độc giả theo dõi.

Thật bất ngờ trong Đại Hội Canh Tân Đặc Sủng lần thứ 28 tại Anaheim Convention, Californa, Hoa Kỳ, tôi được tham dự bài thuyết trình của Linh mục Manny Flores, người Phi Luật Tân đang coi một giáo xứ 17.000 giáo dân, đồng thời cũng là một giáo sư Đại chủng viện, bàn về đề tài đầy thách thức và sôi bỏng này ở vào thời điểm mở đầu thiên niên kỷ thứ ba trong Giáo hội hoàn vũ. Tại giáo xứ rộng lớn này, linh mục Flores nhìn ra nhu cầu khẩn thiết cần phải đoàn ngũ hóa và tăng cường sức mạnh cho hàng ngũ giáo dân để nâng cấp tình hình sống đạo trong giáo xứ. Trong một giáo xứ hầu như toàn tòng là giáo dân, trong lúc hàng giáo sĩ trở thành quá ít ỏi đáp ứng cho các nhu cầu mục vụ, linh mục Flores đi tìm con đường sống cho giáo xứ của mình.

Và linh mục đã tìm ra cho đường đi cho giáo xứ: RÚT KINH NGHIỆM LỊCH SỬ, ĐỊNH HƯỚNG NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHO TƯƠNG LAI. Rút kinh nghiệm qua những bài học lịch sử từ Giáo hội của Giao Ước Mới (Giáo hội Tiên khởi), rồi trải qua hai mươi thế kỷ và dừng lại tại Công đồng Vaticanô II, linh mục nhìn ra chiến lược của Giáo hội chính là cần phải đoàn ngũ hóa và tăng cường sức mạnh cho tầng lớp giáo dân. Hành trình này phải trải qua bốn giai đoạn như sau:



Sám hối và cầu nguyện theo tinh thần của Gioan Tiền Hô mở đầu cho triều đại mới của Đấng Cứu Thế: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1: 15).

Khơi động tinh thần canh tân, cải cách, đổi mới

Các tầng lớp trong Giáo hội phải sống tinh thần khiêm cung nhìn nhận mình là các tội nhân. Hãy nhìn gương Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thay mặt Giáo hội xin lỗi thế giới khoảng 100 lần về các lỗi lầm của Giáo hội trong lịch sử.

Hãy chỗi dậy sống trong niềm tin và tín thác nơi Thiên Chúa.


Bài thuyết trình của linh mục Flores được phổ biến với bốn trang giấy mầu và mỗi trang được trình bầy thành ba cột thật tổng hợp và súc tích. Vì hạn chế của bài viết, chúng tôi chỉ trình bầy những điểm chính đã được linh mục Flores trình bầy và chúng tôi ghi thêm ít hàng suy diễn đã được đánh động từ bài thuyết trình này. Bài thuyết trình được chia thành 10 thời kỳ như sau:


1/ Giáo hội Tân Ước (New Testament Church từ năm 33-100).

Đây là Giáo Hội Chúa Kitô thành lập và Chúa Thánh đến khởi động. Qua phép rửa, mọi tín hữu đều đạt tới chỗ hoàn toàn xứng đáng (full dignity) trở nên môn đệ Chúa Giêsu, dưỡng tử của Chúa Cha, đền thờ Chúa Thánh Linh, phần tử của Giáo hội là Thân Thể Chúa Kitô và là Dân Chúa. Với những tư cách đó, mọi tín hữu đều được mời gọi sống thánh thiện, đều được kêu mời vào làm mục vụ, tức làm vườn nho của Chúa tùy theo nhu cầu, các đặc sủng và truyền thống. Vào thế kỷ đầu tiên của Giáo hội này, chưa có một hàng rào nào phân cách giữa giáo sĩ và giáo dân.

Các tông đồ hoặc các cộng tác viên của các ngài chính là những người mang trong mình đầy sủng lực như lời Chúa Giêsu đã hứa khi thăng thiên: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).

Quả thực sau khi đã nhận lãnh được tràn đầy Thánh Thần, các tông đồ mạnh dạn và phấn khởi túa ra tứ phía lên đường làm chứng tá cho Tin Mừng và Chúa Kitô Phục Sinh. Từ lời rao giảng cho tới phong thái của các ngài toát ra sủng lực của Thần Khí, khiến những ai đến nghe giảng giải hoặc tiếp xúc với các ngài đều được chữa lành và quay đầu trở lại với Thiên Chúa. Quyền năng và sức mạnh của các ngài không do phong chức hoặc bổ nhiệm, nhưng do Thánh Thần tràn đầy trong các ngài.

2/ Các Thế kỷ tiên khởi (Early Centuries từ 100-300)

Đây là thời kỳ của các Giáo phụ nổi bật với các tên tuổi như Polycarp, Inhatiô Antiokia, Thánh Antôn. Các Giáo phụ nhấn mạnh đến căn tính và xứng đáng (dignity & identity) của mọi Kitô hữu: “Là một tín hữu đã nhận phép rửa, các con hãy nhớ mình thuộc phần tử của Thân Thể nào?” và đến việc mỗi người cần được biến đổi (transformation): “Ngài đã trở thành con người để chúng ta có thể trở thành linh thánh.”

Danh từ giáo sĩ (kleros) chỉ được sử dụng từ năm 200, còn danh từ giáo dân (laicus) thỉnh thoảng được sử dụng từ sau năm 220. Danh từ tư tế được hiểu như linh mục, bắt đầu được sử dụng trong các cộng đoàn nhỏ. Vào thời kỳ này Giáo hội đang bị coi là bất hợp pháp, bị hành hạ và thường dẫn đến tử đạo.

3/ Giáo hội do Giáo sĩ Chuyên chế (Clerical-Imperial Church từ 300-450)

Vào thời Hoàng đế Constantinô, qua sắc chỉ Milan năm 313, Giáo hội được hợp thức hóa sau 300 năm bị bách hại và khi đó Giáo hội Kitô giáo trở thành một xã hội lý tưởng. Nhiều người tin theo Kitô giáo và tới thời hoàng đế Thêôđôsiô I, năm 395, Kitô giáo trở thành Quốc giáo. Hàng giáo sĩ, nhất là các giám mục trở nên như các quan chức trong các cấu trúc chính quyền. Tiếng Latinh trở thành ngôn ngữ chính thức quốc gia Roma. Giáo hội lệ thuộc quốc gia và đôi khi còn hy sinh các lợi ích linh thiêng cho các mục tiêu cai trị.

Vào thời điểm này khẩu hiệu Một Đế quốc, Một Tôn Giáo được coi như một đòi hỏi của Thánh Kinh. Tầng lớp Giáo sĩ vươn mình dậy nắm giữ cả hai quyền lực thần quyền và thế quyền trong tay đã đưa đến tình trạng tầng lớp Giáo dân bị hạ xuống đáy Giáo hội (left at the bottom) và giáo sĩ đi vào thoái hóa.

Từ những suy thoái chạy theo quyền lực và sống thế tục, Giáo hội xẩy ra nhiều tệ trạng khiến nhiều tín hữu tìm vào sống trong sa mạc. Nhiều người thành tâm nhìn ra Giáo hội đang trải qua một cơn bách hại mới do lối cai trị Giáo hội theo kiểu trần tục, đặc biệt Pachomius tổ chức các cộng đoàn ẩn tu. Các vị ẩn tu này ảnh hưởng được Giáo hội và nhiều vị trở thành giám mục và các nhà lãnh đạo thánh thiện.

4/ Đế quốc Rôma sụp đổ (Fall of the Roman Empire từ 450-800)

Giáo hội chuyên chế sụp đổ cùng với sự sụp đổ của Đế quốc Rôma. Từ đây phát sinh chủ nghĩa Giáo hội trở về sống lối sống khắc khổ (Monasticism) của các tu sĩ khổ tu với cao điểm là Thánh Bênêđictô tác động đến Giáo hội thật sâu rộng với chủ trương các tín hữu:


sống lối sống “vừa cầu nguyện vừa lao động”

thích nghi theo lối sống nông thôn

tập trung thành các cộng đoàn cầu nguyện và tôn sùng Thánh Thể.


Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả thiết lập Thánh Thể như một khuôn mẫu cho lối sống tu trì và lối sống của các thầy dòng trở thành khuôn mẫu cho lối sống của hàng giáo sĩ cũng như cho những ai nắm giữ chức sắc lãnh đạo trong Giáo hội. Vào thời kỳ này, nhiều quốc gia Bắc Âu tin theo Kitô giáo nhờ các hoạt động của tầng lớp giáo dân như Olaf, Erich, Canute.

5/ Thánh Đế Quốc Roma và Giáo Hội Phong Kiến (Holy Roman Empire and Feudal Church từ 800-1000)

Năm 800 Hoàng đế Charlemagne của nước Pháp được phong làm hoàng đế đầu tiên của Thánh Đế Quốc Roma là người bảo vệ ngai giáo hoàng. Thế quyền và giáo quyền phối hợp, nối kết với nhau thành một tổ chức được coi như linh thánh (both seen as divinely instituted).

Từ đây hàng giáo sĩ bắt đầu coi mình đứng ở trên nấc thang cao nhất hoặc ngồi ở chiếu trên cao. Với đà tiến này, hàng ngũ giáo dân tụt thang dần đến nấùc thang thấp nhất , ngồi chiếu rốt bét. Ngay trong phụng vụ, giáo dân chỉ còn biết lắng nghe và theo dõi các nghi lễ phụng vụ bằng tiếng Latinh mà họ chẳng hiểu gì. Mọi chức vụ đều nằm trong tay hàng giáo sĩ và giáo dân chỉ còn là thành phần nghe dạ bảo vâng. Họ không được nắùm các chức vụ như lãnh đạo, giáo chức, thuyết trình viên hoặc giám đốc.


6/ Hàng ngũ giáo dân bắt đầu chỗi dậy (Beginning of the Rise of the Laity, từ 1000-1600)

Trước những suy thoái trầm trọng của hàng giáo sĩ khi tham gia vào cả hai quyền lực: thần quyền và thế quyền, Đức Giáo Hoàng Grêgoriô VII phải cố công cải cách hàng giáo sĩ. Trước tiên, ngài tấn công vào việc buôn bán chức sắc trong Giáo hội và cả các đồ thờ phượng nữa, kiểm soát chuyện phòng the giáo sĩ, chuyển tài sản cho con cái của giáo sĩ. Từ những suy sụp và thoái hóa này trong giới giáo sĩ, Đức Grêgoriô bắt buộc các giáo sĩ phải sống độc thân. Từ đây con đường canh tân triển nở với các dòng khổ tu nổi tiếng. Những trào lưu tu sĩ mới mọc lên xanh tươi trong Giáo hội nhất là các dòng khất thực của Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Đaminh. Tất cả các dòng tu này chủ trương:


Rao giảng Tin Mừng bằng gương mẫu đời sống khó nghèo và hăng say lên đường loan báo Tin Mừng

Hướng về mục vụ hơn là cai trị trong Giáo hội bằng rao giảng Tin Mừng và chăm sóc đời sống tâm linh cho các tín hữu

Phát động các canh tân thần học, nhờ đó đã triển nở được những nhà thần học lừng danh.


Về phía giáo dân, người ta thành lập được những phong trào sống đời sống khó nghèo, những nhóm học hỏi Thánh Kinh để lên đường loan báo Tin Mừng, giảng dậy và hướng dẫn tu đức. Từ đây cũng phát sinh ra một số những trệch hướng và tà giáo. Rồi cao trào thập tự quân đã huy động được nhiều hiệp sĩ, nhiều nhà chỉ huy và nhiều chiến sĩ lên đường dành lại Đất Thánh. Nhờ đó vai trò của giáo dân được nâng cấp. Thêm vào đó, phát minh máy in cũng như cao trào kinh doanh đi tìm thuộc địa đã đưa địa vị người giáo dân không bị khinh thường như trước nữa.

7/ Cải cách và Công đồng Triđentinô (reformation & The Council of Trent, từ 1517 - 1563)

Đâu là những nguyên do cấu tạo nên cuộc Cải Cách của anh em Tin Lành:


Giáo triều thời Phục Hưng suy đồi và đánh mất nửa vương quốc Chúa Kitô

Cuộc ly dị giữa tu đức và thần học, giữa thần học và Thánh Kinh cũng như các Giáo phụ

Việc phân chia thành các quốc gia dẫn đến việc sống độc lập khỏi giáo triều

Giáo hội quá bị lệ thuộc vào nền văn minh Tây Phương

Các kinh nghiệm và tư cách vững vàng của Luther, Calvin, Zwingli

Công cuộc Cải Cách này di động theo nhiều phương hướng, nhưng đều chung một khuynh hướng là muốn xác quyết nhân cách của người giáo dân trong Giáo hội. Tuy thế, không phải khuynh hướng nào cũng chống giáo sĩ.

Sau đây là những yếu tố chính đẩy các nghị phụ khai mở Công Đồng Triđentinô:


Việc can thiệp của tầng lớp giáo dân trưởng giả vào các quyết định của các giám mục và các chủ chăn

Một số Nhà Cải Cách tấn công chức linh mục

Chủ nghĩa phong kiến vẫn còn chiếm ưu thế trong hệ thống giáo sĩ nắm lấy quyền hành và đặc ân.


Như vậy Công đồng Triđentinô nhấn mạnh đến việc bảo vệ chức linh mục và củng cố hệ thống hàng giáo phẩm từ ngôi vị giáo hoàng tới thầy sáu. Từ tầm nhìn thiếu quân bình này, hàng giáo sĩ được nâng cao, được bảo vệ và dĩ nhiên tầng lớp giáo dân bị hạ cấp và không được nhắc nhở gì đến trong các văn kiện Công Đồng. Chiến lược của Công đồng Triđentinô nhằm đào tạo hàng giáo sĩ cả về học vấn cũng như tu đức, trong lúc tầng lớp giáo dân bị thả nổi.

8/ Giáo hội sau Công đồng Triđentinô (The Church after Trent, từ 1563-1950)

Tầm nhìn thiếu quân bình của Công đồng Triđentinô được kéo dài đến giữa thế kỷ hai mươi và không ai dám bình phẩm. Giáo hội trở thành dị ứng và bảo vệ trước các đề tài như “chức linh mục của người giáo dân”, “mục vụ giáo dân”. Những ai đưa ra các đề tài này thường bị chụp mũ là theo chủ nghĩa Thệ Phản.

Việc tái khám phá Thánh Kinh tạo ra được một cải cách đáng kể trong Giáo hội. Cá nhân hoặc nhóm nhỏ chia sẻ Thánh Kinh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, chứ không phải giáo sĩ, đã giúp người tín hữu được nuôi dưỡng tâm linh và phát triển kiến thức và cảm nghiệm Thánh Kinh, cũng như tăng gia niềm khao khát sống Lời Tin Mừng.

9/ Các Phong trào Giáo dân Công giáo và Công Giáo Tiến Hành (Catholic Lay Movements and Catholic Action (1800 -1963)

Được kể là Các Phong trào Giáo dân Công giáo tức là các phong trào do anh chị em giáo dân hình thành và thường không được hàng giáo phẩm chúc lành cũng như lãnh đạo. Thí dụ như các tổ chức các học giả, các liên minh thợ thuyền và doanh thương, các nhóm sắc tộc, cả trên bình diện địa phương cũng như quốc tế.


họ thường thuộc thành phần có ăn học và có tư cách muốn sống theo đường lối sống và hoạt động của Tin Mừng

đôi khi họ có những cảm nhận chống đối giáo sĩ. Nhưng chủ yếu các cao trào này phát khởi từ tình cảm muốn sống và hoạt động theo đường lối Tin Mừng. Yếu tố tích cực này đã đem nhiều người giáo dân sống nếp sống tâm linh sung mãn.


Công Giáo Tiến hành mang ý nghĩa “người giáo dân chia sẻ việc tông đồ của hàng giáo phẩm” hoặc đây là sự cộng tác, phối hợp tông đồ giữa hàng giáo phẩm và giáo dân.


các phong trào này chính thức được hàng giáo phẩm nhìn nhận và hướng dẫn

họ đi theo một đường lối tu đức và hoạt động phong phú và hữu hiệu trong môi trường họ sống.



Những phong trào này đã đưa đến một số tranh chấp giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, do đó, qua sự can thiệp của một số giám mục và đức giáo hoàng, hàng giáo sĩ thắng thế. Thế là những cơ may thăng tiến giáo dân bị chận lại hoặc bị hàng giáo phẩm kiểm soát hoặc hạn chế. Có nhiều nơi, các đoàn thể mang danh là Công Giáo Tiến Hành chỉ là những đoàn thể đọc kinh hoặc phục vụ trong thánh đường dưới quyền điều động của linh mục.

10/ Công đồng Vaticanô II (The Church of Vatican II, từ 1962 - ngày nay?)

Đã từ lâu trước Công đồng Vaticanô II, hàng ngũ giáo dân hoàn toàn im lặng về các vấn đề liên quan đến thế đứng và vai trò giáo dân trong Giáo hội dưới ánh sáng Tin Mừng. Chính Công đồng Vaticanô II đã tung ra các chứng liệu chính thức nhìn nhận phong trào giáo dân đã tiến triển hàng ngàn năm nay rồi. Những văn kiện chính thức này không phải chỉ là những biểu hiện như những cái gật đầu, nhưng trái lại, đây là những văn kiện quan trọng làm khơi dậy tầm vóc của tầng lớp giáo dân.

Công đồng Vaticanô II dành hẳn một văn kiện bàn về giáo dân, đó là sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân (Apostolicam Actuositatem). Và trong lược đồ về Giáo hội tức Hiến chế Tín lý (Lumen Gentium), Công đồng dành hẳn chương bốn đề cập rất nhiều đến vai trò và vị trí của người giáo dân trong Giáo hội. Nhịp tiến của Giáo hội đã đẩy hàng ngũ giáo dân tiến lên phía trước như thế, tuy nhiên, sau Công đồng gần nửa thế kỷ rồi, tại nhiều địa phương vẫn còn duy trì vai trò độc tôn giáo sĩ và khinh thường giáo dân như trong thời phong kiến. Chúng ta nên nhớ Công đồng Vaticanô II mang một kích thước trọng yếu toàn cầu nhất lịch sử Giáo hội với sư tham dự của 2600 giám mục từ khắp thế giới về phó hội, trong lúc Công đồng Vaticanô I chỉ có 737 nghị phụ và Công đồng Triđentinô chỉ có dưới 40 giám mục và hầu hết là người Ý.

Các Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về Giáo Dân



1/ Giáo hội không còn đặc hữu đồng hóa hoặc ưu tiên là hàng giáo sĩ nữa.
Giáo hội chính là toàn thể Dân Chúa (GH, Ch. II). “Nhờ Phép Rửa, tất cả mọi người cùng chia sẻ vào mục vụ ba mặt của Chúa Giêsu Kitô là ngôn sứ, linh mục và vương giả. Tất cả những gì đã phát biểu liên quan đến Dân Chúa đều được áp dụng bình đẳng cho giáo dâm giáo sĩ và tu sĩ.” Thật vậy, hoạt động tông đồ chính là “việc tham gia vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo hội” (GH 30, 31).

2/ Mục vụ là việc phục vụ hơn là một địa vị.
Tất cả những gì là quyền hành của linh mục đều phải được đem vào phục vụ Dân Chúa, vì giáo sĩ cũng chỉ là một thành phần của Dân Chúa.

3/ Mục vụ không còn là một danh từ chỉ được xử dụng cho các linh mục.
Xưa kia từ ngữ hoạt động tông đồ được xử dụng cho mục vụ giáo dân. (GH 18; HN 2). Công đồng Vaticanô II cũng nhìn nhận các mục vụ phụng tự của những em giúp lễ, đọc sách thánh, ca đoàn, dậy giáo lý. Xin xem thêm sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Vaticanô II.

4/ Người giáo dân hành xử chức linh mục
khi tham dự vào việc cử hành Thánh Thể, tiếp nhận các bí tích, dâng lời cầu nguyện và tạ ơn, làm chứng tá bằng đời sống thánh thiện, hy sinh và làm việc bác ái.

5/ Ơn gọi đặc biệt của giáo dân
chính là đi mở mang Nước Chúa bằng việc dấn thân vào các lãnh vực trần thế và hướng dẫn người khác sống theo Tin Mừng. Họ được Thiên Chúa mời gọi phải đóng góp vào việc thánh hóa trần thế như một loại men, theo tinh thần của Tin Mừng.

Kết luận

Ghi lại bài thuyết trình đặc sắc này của linh mục Flores trong Đại Hội Canh Tân Đặc Sủng toàn quốc Hoa Kỳ lần thứ 28 tại Anaheim ngay trong số báo đầu tiên ra mắt này, chúng tôi muốn làm sáng tỏ ý tưởng then chốt của thuyết trình viên là tất cả mọi người chúng ta hãy bình thản, can đảm và khách quan nhìn vào lịch sử để rút ra hướng đi trong sáng và vững chãi trong tương lai. Chắc chắn thuyết trình viên muốn mỗi người chúng ta, từ giáo sĩ cho tới giáo dân phải nhớ ý tưởng then chốt: chúng ta đều là những chi thể trong Thân Thể Huyền Diệu của Chúa Kitô là Giáo Hội.

Nơi đây, mọi chi thể không thể kèn cựa nhau, kỳ thị nhau, chèn ép nhau, đè bẹp nhau, khinh thị nhau để mình nổi bật, để mình chế ngự, trái lại, mọi chi thể phải sống thuận thảo với nhau, yêu thương nhau, phục vụ nhau như huynh đệ trong tình yêu Chúa Kitô theo lời Thánh Phaolô căn dặn tha thiết các tín hữu Êphêsô: “Anh em hãy ăn ở khiên tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với hau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Eph 4: 2-4).

Lời Tin Mừng vừa rồi chính là khuôn vàng thước ngọc để mọi người, từ hàng giáo phẩm cho tới giáo dân, hàng ngày hãy tự hãy soi vào đó để biết mình xem có đi đúng đường hướng của Chúa Kitô và Giáo hội không? Nếu một ai, dầu mang chức sắc nào đi nữa, sống ngược lại tinh thần Tin Mừng vừa rồi, chắc chắn họ là người gây đổ vỡ, gây thương tích cho Thân Thể Chúa Kitô.

Hãy nhìn lại các bài học quá khứ, không phải như một thất đảm, một bi quan, nhưng chủ động hơn, mỗi người sống trong tinh thần sám hối và kiên quyết vươn mình đến lãnh địa của canh tân, của đổi mới theo đúng tinh thần của Giáo Hội hiện nay. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn là tấm gương chói sáng trong Giáo hộïi và thế giới trong giai đoạn lịch sử này, khi Ngài mời gọi Giáo hội nhìn vào lịch sử để giải quyết những gì là tồn đọng, là vướng mắc, là mặc cảm tội lỗi trong quá khứ. Ngài đã can đảm đại diện Giáo hội xin lỗi khoảng một trăm lần tất cả những ai Giáo hội đã gây phương hại.

Khiêm nhường và thẳn thắn như thế, Ngài không bị thế giới khinh chê, trái lại, Ngài được toàn thể giới yêu thương, nể trọng và tán thưởng. Phải chăng tấm gương của Ngài không đáng chúng ta học hỏi và đi vào con đường hòa giải, tha thứ và nắm lấy tay nhau tiến vào thiên niên kỷ thứ ba. Muốn được như thế, chúng ta hãy thực hiện lời khuyên nhủ sau đây Thánh Phaolô gửi tín hữu Êâphêsô:

“Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Eph 4:22-24).
Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Tuesday, June 14, 2005

    Làm sao tạo điều kiện để Thánh Thần hoạt động trong ta?

    Nguyễn Chính Kết


    1. Thánh Thần là ai?

    Khi xem một cuốn phim trên màn ảnh hay trên tivi, hầu như ta chỉ nhìn thấy những hình ảnh chuyển động trong phim chứ không còn trông thấy màn ảnh hay cái tivi nữa. Nhưng thật ra, nếu xét về sự hiện hữu, thì cái màn ảnh hay cái tivi là cái gì có thật làm nền tảng cho những hình ảnh chuyển động kia hiện hữu. Mức độ hiện hữu của màn ảnh hay cái tivi cao hơn những hình ảnh kia rất nhiều. Sở dĩ ta không thấy màn ảnh là vì tâm trí ta bị cuốn hút hoàn toàn bởi những hình ảnh đang xuất hiện trước mắt ta đến nỗi ta không còn trông thấy và ý thức về sự hiện hữu của màn ảnh hay cái tivi nữa. Dù không thấy màn ảnh, nhưng thực ra, khi nhìn vào những hình ảnh chuyển động, là ta đã nhìn vào chính màn ảnh, vì hình ảnh và màn ảnh khi ấy tuy hai mà một. Ta không thấy màn ảnh là vì bị những hình ảnh che khuất.

    Cũng tương tự như vậy đối với Thánh Thần. Thánh Thần không phải là một thực tại xa cách chúng ta, mà ở ngay trong bản thân ta: «Thánh Thần luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,17); «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16; x.1Cr 6,19). Tất cả những gì tốt đẹp khởi lên trong tư tưởng ta, những gì tốt đẹp mà ta thực hiện được, đều xuất phát từ Thánh Thần ở ngay trong ta. Và Thánh Thần làm nên tất cả những cái tốt đẹp ấy và là nền tảng của chúng. Nhưng ta dường như chỉ thấy những điều tốt đẹp, mà không thấy Thánh Thần ở sau những điều tốt đẹp ấy. Nếu một số Kitô hữu xưa nói: «Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói» (Cv 19,2), thì nhiều Kitô hữu ngày nay cũng chỉ biết Thánh Thần một cách hết sức lý thuyết qua những câu kinh bổn học được từ nhỏ, mà nhiều khi người dạy cũng chỉ biết được cách lý thuyết.

    Thật ra Thánh Thần là một thực tế rất sống động ở trong ta, là sự sống, là tình yêu, là sự hiện hữu của Thiên Chúa ở trong ta. Không có Ngài, ta chẳng làm nên được một điều gì tốt đẹp, chẳng thể hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, chẳng thể yêu thương và hy sinh cho tha nhân. Thánh Kinh xác định: «Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa» (1Cr 2,11); «Không ai có thể nói rằng: "Đức Giêsu là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí» (1Cr 12,3); «Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em» (Mt 10,20); «Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta» (Rm 8,26); «Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách» (1Cr 12,11); «Chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta là nhờ Thần Khí» (1Ga 3,24).

    2. Làm sao cảm nghiệm được Thánh Thần?

    Không ai thấy Thánh Thần hay cảm nghiệm Ngài một cách trực tiếp, mà chỉ có thể cảm nghiệm Ngài cách gián tiếp qua những biểu hiện của Ngài thôi. Cũng tương tự như không ai thấy được dòng điện, nhưng dòng điện trở nên rất cụ thể và rất gần gũi với chúng ta nhờ những biểu hiện của dòng điện, như đèn sáng, quạt quay, bếp nóng lên… Cũng vậy, Thánh Thần sẽ trở nên rất cụ thể và gần gũi với ta, nếu ta nhận ra được những biểu hiện lúc nào cũng có của Ngài trong đời sống của ta và chung quanh ta. Chẳng hạn, khi viết bài này, tôi thấy mình có những tư tưởng về Thiên Chúa, về Thánh Thần, và cảm thấy hứng thú vì có thể đem lại ích lợi cho Giáo Hội, cho tha nhân, v.v… Đó là những biểu hiện của Thánh Thần hoạt động ở trong tôi. Hoặc khi bạn đọc bài của tôi, bạn hiểu và cảm thấy hứng khởi để sống tốt đẹp hơn, v.v… Đó là những biểu hiện hay việc làm của Thánh Thần ở trong bạn. Quan niệm như vậy, ta sẽ thấy Thánh Thần – phần nào tương tự như dòng điện vô hình kia – là một thực tại, một đấng, một Thiên Chúa rất cụ thể, sống động và rất gần gũi với ta. Không một giây phút nào ta có thể sống, thở, suy nghĩ, làm những điều tốt đẹp… mà không do Ngài.

    Phải thấy Ngài cụ thể và gần gũi như thế, ta mới thân mật được với Ngài, mới nhận được dồi dào sức mạnh, sự sống, tình yêu, ân sủng, và hoa trái của Ngài. Và hoa trái của Ngài là «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23a). Nếu không cảm nghiệm được Ngài như thế, đời sống tâm linh của ta sẽ hết sức trừu tượng, xa vời, thiếu thực tế. Còn nếu cảm nghiệm được Ngài, ta sẽ thấy đời sống tâm linh rất cụ thể, nhiều hứng thú, và đầy những khám phá mới lạ. Thánh Thần ở trong ta cũng chính là Thánh Thần đã đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1), đã hiện hình thành chim bồ câu đậu xuống trên Ngài khi Ngài chịu phép rửa (x. Mt 3,16), đã soi sáng và linh hứng Ngài nói lên tất cả những gì cần phải nói để dạy dỗ con người (x. Lc 10,21; Mc 13,11; Cv 2,4), đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa vào ngày lễ Ngũ Tuần sau khi Đức Giêsu về trời (x. Cv 2,3), v.v… Thánh Thần đó đang hoạt động trong bản thân ta, đang dần dần biến đổi ta và hướng dẫn ta tới «sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13), miễn là ta cho phép Ngài hoạt động trong ta và ta cùng cộng tác với Ngài.

    3. Làm sao để Thánh Thần hoạt động hữu hiệu trong ta?

    Thánh Thần luôn hiện diện và sẵn sàng hoạt động ngay trong bản thân ta. Sẵn sàng hoạt động có nghĩa là Ngài sẽ hoạt động ngay nếu ta cho phép Ngài hoạt động. Ngài giống như dòng điện đã sẵn sàng hết ở trong phòng, chỉ cần bật công-tắc lên là đèn sáng, biến căn phòng tối om thành sáng choang. Không bật công-tắc lên, thì điện tuy có trong phòng nhưng vẫn dường như không có, chẳng đem lại lợi ích gì. Cũng vậy, nếu ta không đánh thức Thánh Thần dậy, thì Ngài cũng giống như Đức Giêsu ngủ say trong thuyền của các tông đồ khi sóng gió đang muốn làm con thuyền lật úp, mà Ngài chẳng làm gì cả (x. Mc 35-41). Nhưng khi Ngài được đánh thức dậy, Ngài lập tức làm cho sóng gió lặng yên. Trong máy vi tính, có nhiều trường hợp ta bị đảo điên vì virus hoành hành, đang khi ta có cả một chương trình chống virus rất hữu hiệu. Sở dĩ virus vẫn hoành hành là vì ta quên hay không kích hoạt (activate) chương trình ấy để làm cho nó hoạt động. Cũng vậy, Thánh Thần tuy hiện diện thường trực trong ta, nhưng vẫn thụ động, vì ta không tạo điều kiện cho Ngài hoạt động.

    Thánh Thần không hoạt động hữu hiệu trong ta khi ta không ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta. Những lời kinh như: «Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!» khiến ta thường lầm tưởng Thánh Thần không ở trong ta, mà ở đâu xa lắm. Đôi khi ta lập đi lập lại lời cầu ấy thật nhiều lần mà dường như Ngài vẫn ở tận đâu đâu, chẳng chịu đến. Thật ra, trước khi ta cầu xin Ngài đến, thì Ngài vẫn ở ngay trong ta từ đời thuở nào rồi (x. 1Cr 3,16; 1Cr 6,19). Nhưng Ngài ở trong ta cách thụ động, như một người ngủ, vì ta không đánh thức Ngài dậy bằng cách ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta.

    Ý thức Thánh Thần ở trong ta là điều kiện tiên quyết để Ngài hoạt động. Nhưng Ngài chỉ hoạt động hữu hiệu khi không bị chính ta và ý riêng của ta cản trở. Một người có «cái tôi» quá lớn, coi mình như «cái rốn của vũ trụ», và coi ý riêng mình là quan trọng nhất trên đời, thì Thánh Thần không có cách nào hoạt động hữu hiệu nơi người ấy được. Một ly nước đã đầy ắp không thể chứa thêm được chút nước nào nữa. Cũng vậy, tâm thức của một người đã đầy ắp «cái tôi» của mình rồi, thì không còn chỗ nào cho Thánh Thần hoạt động nữa. Làm sao ta có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20), khi mà ta không để Ngài chiếm trọn bản thân ta, và làm mọi việc trong ta theo ý của Ngài? Cũng vậy, Thánh Thần không thể hoạt động và biến đổi ta khi ta không để Ngài làm chủ bản thân ta, mà chỉ coi Ngài như một người khách lạ đến chơi nhà. Một người khách làm sao có thể hoạt động hữu hiệu được trong nhà do một người khác làm chủ? Muốn Thánh Thần hoạt động hữu hiệu trong bản thân ta, biến đổi ta nên con người mới, hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân ta, và ta hãy làm tất cả những gì Ngài muốn ta làm.

    Để Thánh Thần làm chủ bản thân ta, để Ngài hoàn toàn tự do làm những gì Ngài muốn ở nơi ta, Ngài sẽ biểu hiện quyền năng vô biên của Ngài trong ta. Ngài chính là kho tàng hay viên ngọc quý ở ngay trong ta mà Đức Giêsu đã giới thiệu trong Tin Mừng (x. Mt 13,44-46). Muốn được viên ngọc quý ấy, ta phải bán hết gia tài mình có mới mua được. Gia tài ta phải bán hết chính là «cái tôi» hay chính bản thân ta, cùng với tất cả ý riêng của ta. Chính khi ta không còn «cái tôi» ích kỷ của mình nữa, thì một «cái tôi» mới sẽ phát sinh, bao hàm trong đó tất cả mọi người mọi vật trong vũ trụ. Lúc đó ta sẽ thấy mọi người mọi vật trong vũ trụ đều là chính bản thân ta, và ta sẽ yêu thương tất cả như ta yêu thương tất cả mọi bộ phận đang có trong thân thể ta. Và linh hồn ta lúc ấy chính là Thánh Thần, luôn chủ động làm tất cả mọi việc.
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • Monday, June 13, 2005

    LINH MỤC VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

    Phao lô BÙI VĂN ĐỌC
    Giám mục Giáo phận Mỹ Tho



    Để có thể thi hành chức năng tiên tri, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nói về Tình Yêu và Sự Sống của Thiên Chúa, linh mục cần phải không ngừng tiếp xúc với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. Không ai có thể nói về Thiên Chúa cách chân thật và đúng đắn, nếu trước đó đã không nói với Thiên Chúa.


    Linh mục cũng không được phép quên rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của tư tế là không ngừng cầu khẩn cho Dân Chúa. Chỉ khi nào linh mục biết cầu nguyện cho những người mình phục vụ, bấy giờ thừa tác vụ của linh mục mới thật phong phú, vì đích thực là thừa tác vụ của Thần Khí. Linh mục còn là thầy dạy cầu nguyện, điều mà linh mục không thể làm được nếu không có chút kinh nghiệm.


    Đối với bất cứ người Ki tô hữu nào, cầu nguyện đều là hô hấp thiêng liêng, hít thở Thần Khí. Điều đó còn quan trọng hơn đối với linh mục, vì nếu thiếu Thần Khí thừa tác vụ của linh mục không thể mang lại sự sống.


    Chúng ta sẽ nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa thần học của việc cầu nguyện, là điều rất cần thiết cho một đời sống sâu xa và có ý thức...

    I. CẦU NGUYỆN LÀ HỒNG ÂN:

    Đối với Kitô-giáo, cầu nguyện là một hành vi siêu nhiên. Hành vi siêu nhiên không khởi sự từ bản thân con người. Tự mình, chúng ta không làm được hành vi siêu nhiên. Hành vi siêu nhiên bắt đầu từ Thiên Chúa, do sự khơi dậy của Chúa Thánh Thần.


    Tuy là hành vi siêu nhiên, cầu nguyện vẫn là hành vi của chúng ta: chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện là do ơn Thiên Chúa ban cho, nhưng ơn ấy trở thành sở hữu của chúng ta. Cầu nguyện là hành vi tự do nhất, hành vi phát xuất từ thâm sâu tâm hồn, hoàn toàn tự nguyện. Trong việc cầu nguyện, ân sủng và tự do là một với nhau, nên một với nhau. Nếu ta xác tín ân sủng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho ta là một Ngôi vị, chúng ta sẽ thấy rõ rằng không có mâu thuẫn giữa ân sủng và tự do. Trong việc cầu nguyện, chính Tình Yêu của Thiên Chúa khơi dậy tình yêu nơi ta (Chúa Thánh Thần khơi dậy tình yêu nơi ta).


    Theo cha Karl Rahner, khi cầu nguyện, chúng ta mở tâm hồn ra với Thiên Chúa. Nói cho đúng hơn, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần mở cửa tâm hồn ta. Chúa Thánh Thần mở cửa và ta mở cửa.


    Vì cầu nguyện là hồng ân, nên trước hết, ta hãy nài xin Chúa ban cho ta: Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con cầu nguyện. Vì cầu nguyện là một hồng ân, mà ơn Chúa là sự sống, nên có thể triển nở hay mất đi. Ta phải nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện bằng chính việc cầu nguyện, bằng Lời Chúa, bầng bí tích và phụng vụ. Chúng ta gìn giữ và phát triển ơn Chúa bằng sự đáp trả tự do.


    Cầu nguyện là để cho Chúa Thánh Thần tác động trên ta, làm việc trong tâm hồn ta. Ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần rên rỉ, cầu khẩn trong ta (Rm 8, 26-27).


    Dựa vào câu chuyện người phụ nữ xứ Samaria, chúng ta biết được cầu nguyện là một sự gặp gỡ sâu xa giữa Chúa Ki tô và chúng ta (Ga 4, 1-42). Nhưng có được sự cầu nguyện là vì Chúa đến với ta. Chúa dùng nhiều cách để mở cửa tâm hồn chúng ta. Chúa khơi dậy tình yêu nơi ta, khơi dậy lòng khao khát nơi ta. Có được sự cầu nguyện là vì Chúa khao khát ta. Chúa đã biểu lộ điều đó tại bờ giếng Giacób và trên thập giá: Ta khát (Ga 19, 28). Theo GLC, cầu nguyện là gặp gỡ giữa hai sự khao khát (la rencontre des deux soifs): Chúa khao khát ta và ta khao khát Chúa. Đó là sự gặp gỡ giữa hai trái tim, hai tình yêu.


    Cầu nguyện là tình yêu được Tình Yêu khơi dậy: Thiên Chúa muốn chúng ta khao khát Người (GLC). Chính vì thế mà phải có Thánh Thần, phải có Lời Chúa. Lời Kinh Thánh được coi như bức thư tỏ tình của Thiên Chúa. Càng đọc bức thư ấy, tình yêu càng được khơi dậy và nuôi dưỡng.


    Có một số định nghĩa cổ điển về việc cầu nguyện rất có giá trị mà chúng ta cần nhắc lại:


    · Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa (sursum corda). Trong định nghĩa này, vai trò của Chúa Thánh Thần cũng hết sức quan trọng: tự mình chúng ta, chúng ta không thể nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa được; con người chúng ta yếu đuối, xác thịt chúng ta nặng nề. Phải có Chúa Thánh Thần nâng ta lên. Thiên Chúa Cha, Chúa Kitô lôi kéo chúng ta bằng Thánh Thần là Tình Yêu và Sức Mạnh của Người (Ga 6, 44; 6, 63=65).


    · Cầu nguyện là cầu xin những điều phải lẽ. Theo thánh Phao lô, chúng ta không biết cầu xin thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần khẩn cầu trong ta (Rm 8, 26). Chúa Thánh Thần điều chỉnh tâm tình và tư tưởng của chúng ta rập theo thánh ý của Thiên Chúa khi chúng ta cầu nguyện.


    Chúng ta có thể kết luận về việc cầu nguyện như sau: mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên ngay cả lời cầu xin của chúng ta, thực ra cũng chỉ là sự đáp trả Tình Yêu của Thiên Chúa, lòng khao khát của Chúa. Cầu nguyện là mở cửa tâm hồn đón Chúa.


    II. CẦU NGUYỆN LÀ GIAO ƯỚC:

    Cầu nguyện là hồng ân; hồng ân này không là sự vật, mà là tình yêu; đó là một hồng ân thiết lập tương giao.


    Cầu nguyện là tương giao với Chúa, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa trong tâm hồn. Dĩ nhiên tương giao này không bắt đầu từ chúng ta, nhưng bắt đầu từ Chúa. Chúa thiết lập tương giao trước. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Người mời gọi chúng ta và lôi kéo chúng ta vào trong tình yêu của Người nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.


    Cầu nguyện được GLC coi là Giao ước (GLC 2562 -2564). Lịch sử Dân Thiên Chúa là một lịch sử Giao ước, là lịch sử của Mạc Khải, cũng là lịch sử của Cầu Nguyện. Cầu nguyện là sự hình thành và triển nở của Giao ước ghi khắc trong tim. Đấng ghi khắc Giao ước chính là Thần Khí.


    Cơ bản của Giao ước là đồng ý thuộc về nhau. Thiên Chúa thuộc về chúng ta, vì Người đã tự hiến cho chúng ta trong Đức Giêsu-Kitô. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giệsu-kitô, Con của Người. Chính Đức Giêsu-Kitô là Giao ước ghi khắc trong tim. Do đó, cầu nguyện là để cho Đức Giêsu tỏ hiện trong tâm hồn ta, cầu nguyện là gặp gỡ Chúa trong tâm hồn.


    Trong Giao ước nội tâm này, Danh Xưng quan trọng nhất là Chúa và là Giêsu-Kitô. Cầu nguyện là ghi khắc Danh Chúa trong trái tim, để không bao giờ quên nữa, khi ở nhà cũng như lúc đi đường, khi nằm ngủ, cũng như khi thức dậy. Trong Cựu ước, Thiên Chúa còn ban cho Lời Hứa. Nội dung của Lời Hứa là Sự Sống, là Hạnh Phúc và là Tình Yêu. Nội Dung của Lời Hứa là Chính Thiên Chúa. Chúa là phần gia nghiệp, phần chén của tôi. Giao ước bao hàm một điều kiện, một đòi hỏi, một lề luật. Khi chúng ta cầu nguyện, đòi hỏi của Thiên Chúa nảy sinh nơi ta. Đòi hỏi ấy là đòi hỏi yêu thương, nhưng bao hàm nhiều điều cụ thể, tùy từng người, tùy từng lúc (đòi hỏi từ bỏ, dấn thân, nhịn nhục, tha thứ...). Khi ta thi hành đòi hỏi của Chúa, ta sẽ nhận lãnh điều Chúa hứa, và tương giao giữa ta và Chúa lại mật thiết hơn.


    Cầu nguyện là một hành vi thẳm sâu trong tâm hồn, nơi một mình Thiên Chúa nhìn thấy. Trong chiều sâu ấy, Thần Khí hoạt động. Thiên Chúa là Đấng dò thấu lòng dạ, biết hứng của Thần Khí (Rm 8, 26). Cầu nguyện là đón nhận hoạt động của Thần Khí, là để cho Chúa Thánh Thần thiết lập tương giao giữa Thiên Chúa và chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có tương giao với Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thiết lập tương giao với Chúa Cha (Rm 8, 15-16; Gl 4, 6-7), với Chúa Kitô (1 Cr 12, 3). Chúa Thánh Thần còn đưa ta vào trong tương giao tình yêu và sự sống giữa Chúa Ki tô và Chúa Cha, và đó là mục tiêu cuối cùng của Giao ước giữa chúng ta với Thiên Chúa.


    Giao ước không là một giao kèo bằng chữ chết, nhưng là một giao kèo sống động, một đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với chúng ta. Một định nghĩa cổ điển khác về việc cầu nguyện cũng rất gần gũi và thực tế: cầu nguyện là chuyện vãn với Chúa. Chúng ta nói chuyện với Chúa, lắng nghe Chúa và đáp trả lời Chúa. Trong khi đáp trả, chúng ta có thể tâm sự với Chúa, kêu xin Chúa, cảm tạ Chúa, ngợi khen chúc tụng Chúa, bày tỏ tình yêu đối với Chúa. Tương quan giữa ta và ' Chúa là tương quan giữa người bạn với người bạn. Đấng thiết lập tình bằng hữu ấy là Chúa Thánh Thần.


    Tóm lại, cầu nguyện giống như Giao ước ghi sâu trong tâm hồn ta. Chính ở trong thâm sâu của tâm hồn mà ta thuộc về Chúa, và Chúa thuộc về ta; ta là của Chúa, và Chúa là của ta. Ta dâng hiến đời ta cho Chúa, và Chúa ban sự sống Người cho ta, chia sẻ Thần Khí Người cho ta. Cầu nguyện là nội tâm hóa Giao ước. Và điều này chỉ thực hiện được nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần.


    III. CẦU NGUYỆN LÀ HIỆP THÔNG:

    Một định nghĩa quan trọng khác về cầu nguyện là: kết hiệp với Chúa, gắn bó và nên một với Người. Chúng ta chỉ có thể kết hiệp với Chúa trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần.


    Cầu nguyện sâu xa hơn cả là nên một với Đức Kitô để trở nên con cái của Thiên Chúa. Cầu nguyện là được đưa vào, là bước vào tương quan làm con của Đức Giêsu-kitô. Và chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đưa ta vào trong tương quan này. Kích thước của việc cầu nguyện là tình yêu đối với Đức Ki tô và là lòng mến của Đức Ki tô (rộng, dài, cao, sâu: Ef 3, 18-21).


    Cầu nguyện là Hiệp Thông, mà Chúa Thánh Thần chính là ơn thông hiệp.


    Hiệp thông là gì? Sự hiệp thông rất phong phú đa dạng, nhưng cũng rất thống nhất. Hiệp thông có khi là chia sẻ, có khi là đón nhận, có khi là dâng hiến. Nhưng dưới bất cứ hình thái nào, hiệp thông đều là yêu thương.


    Cầu nguyện là nên một với Chúa. Hạnh phúc và niềm vui của chúng ta khi cầu nguyện nảy sinh từ việc nên một với Chúa. Nên một với Chúa, chúng ta sẽ nên một với Chúa Cha, cùng với Chúa và trong Chúa. Chúng ta ở trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là Thiên Đàng của chúng ta. Cầu nguyện là ở trong Thiên Đàng, nên cầu nguyện là đạt tới mục tiêu cuộc sống Kitô-hữu rồi. Chúng ta chỉ có thể nên một với Chúa nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần giống như chất keo tình yêu dán chúng ta dính vào Chúa Kitô, không tách rời được. Chúa Thánh Thần còn giống như chất men tình yêu làm cho ta say sưa ngây ngất trong sự kết hiệp với Chúa.


    Vì cầu nguyện là Hiệp Thông, nên cầu nguyện đích thực luôn hướng về hiệp thông bí tích trong mầu nhiệm Thánh Thể. Hiệp thông là đón rước Chúa vào trong trái tim, vào trong cuộc sống, để Chúa ở trong ta. Nếu Chúa ở trong ta, thì Chúa Cha cũng ở trong ta (Ga 14, 23). Điều mà khoa Tu Đức gọi là trạng thái thụ động của tâm hồn chiêm niệm, chính là sự đón nhận trọn vẹn đến mức tôi không còn là tôi nữa, mà chỉ có Chúa sống trong tôi.


    Có khi hiệp thông là dâng hiến ở mức độ cao nhất, trong đó chủ thể dâng hiến và đối tượng được dâng hiến là một, tư tế và lễ phẩm hoàn toàn đồng nhất. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là cao điểm dâng hiến, cũng là cao điểm hiệp thông. Đỉnh cao của hiệp thông là chết. Chúa Giêsu chết đi, không còn sống trong mình và cho mình nữa, mà là sống trong Chúa Cha và vì Chúa Cha. Khi cầu nguyện, chúng ta được Chúa Thánh Thần đưa lên đỉnh cao của Hiệp Thông, cho chúng ta cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người.


    Hiệp thông cũng có thể là Chia sẻ. Chúng ta chia sẻ sự sống của Chúa, tình yêu của Chúa, chương trình của Chúa, lương thực của Chúa là thánh ý Chúa Cha. Điều mà Chúa không ngừng chia sẻ cho chúng ta theo lệnh của Chúa Cha, đó chính là Thần Khí của Chúa, cũng là Thần Khí của Chúa Cha.


    Dù là đón nhận, dâng hiến hay chia sẻ, hiệp thông vẫn là nên một, chúng ta nên một với Chúa, nên một với nhau, giống như Ba Ngôi là Một. Con người cầu nguyện là hình ảnh sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa, là hiện thân của Tình Yêu Ba Ngôi.


    Phao lô BÙI VĂN ĐỌC
    Giám mục Giáo phận Mỹ Tho
    Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?