Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Sunday, August 21, 2005

SỨ MỆNH GIEO NHÂN !

Nguyễn Đông-Khê


1.- Tôi vừa làm công quả ở một ngôi chùa Việt Nam tại thành phố tôi cư ngụ. Công việc đơn giản chỉ là phụ làm bếp trong việc sắt cà rốt, củ cải, rửa đồ dùng trong bếp, cắt dây buộc cho người khác bó giò chay … Đến giờ cơm trưa, tôi được chùa đãi phở chay lần đầu, với bát phở thơm ngon, có rau húng quế, ngò gai, giá, tương đen và tương ớt đầy đủ cả, ngọai trừ thịt heo và thịt bò được biến chế từ củ cải. Điều đáng nói ở đây không phải là những gì tôi vừa kể trên, mà là những câu chuyện mạn đàm và về một vài đọan văn trong một cuốn sách tôi mua được ở chùa có liên quan đến người công giáo.



2.- Mấy hôm trước tôi khoe với một người bạn tôi sẽ đến chùa làm bếp vào Chủ Nhật, người ấy liền nêu thắc mắc: “Ủa, người công giáo sao lại đến chùa làm việc thiện nguyện ?” Tôi chỉ cười và thầm nghĩ thắc mắc ấy có lẽ cũng là não trạng chung của hầu hết người công giáo. Tôi không trách bạn tôi hay bất kì ai, đã gieo vào đầu óc tín đồ theo đạo Chúa ý tưởng phân biệt nọ! Tôi nghĩ việc tôi đến chùa làm việc là cơ hội giúp tôi tẩy xóa thành kiến tiêu cực hẹp hòi ấy, và việc làm nhỏ bé này phù hợp với khả năng tầm thường và phương tiện của riêng mình. Từ lâu tôi vẫn nghĩ Thiên Chúa Chí Thiện Chí Nhân không thể nào chỉ giới hạn tình thương vô thủy vô chung của Ngài cho một thiểu số người theo một thứ đạo riêng biệt. Thiên Chúa yêu thương “con người” cách nhưng không, và chỉ có như thế mới thể hiện trọn vẹn “Thiên Chúa là Yêu Thương” (1Ga 4:8). Ngài muốn con người cũng phải yêu thương “con người” như cách thế Ngài yêu thương họ vì đạo Chúa là đạo “mến Chúa yêu người”. Nói khác đi theo đạo Chúa là “sống đạo làm người” , là “đạo tâm” , là đạo thực hành theo lương tâm con người, là cốt lõi và cũng là đích điểm cho tất cả mọi thứ đạo qui về một Ông Trời là vị Cha Chung của muôn lòai thụ tạo. Tôi ghi nhận được nhiều điều trong một ngày làm công quả.



3.- Hai phụ nữ trung niên trao đổi kinh nghiệm về việc nấu các món ăn. Chị S. nói có lần chị đem đồ chay do chính chị nấu đến sở làm. Đến giờ ăn trưa, chị đem món ăn ra chia sẻ với chị bạn Việt Nam theo thông lệ hai người vẫn quen làm hàng ngày. Chị S. thuật lại: “Chị biết không, người công giáo thiệt kì cục, khi biết tôi mang theo đồ chay, chị bạn tôi từ chối không muốn ăn, nói đồ chay là đồ cúng người có đạo không được phép ăn.”



4.- Chị L. đem con đến chùa học Việt ngữ, tiện thể chị ghé vào bếp phụ sắt cà rốt và củ cải trắng. Chị trao đổi:

- “Khi nào tôi vui thì đi shopping, khi tôi buồn thì đến chùa !”

- “Ủa, sao vậy? Bữa nay chị đến chùa là vui hay buồn?”

- “Không vui mà cũng không buồn. Vì phải đem con đến đây học Việt ngữ. Đưa được thằng nhỏ đi học Việt ngữ là cả một vấn đề! Tôi đưa nó đến một nhà thờ công giáo, người ta đòi đóng 250 đồng tiền học, cộng với 100 đồng tiền “ngọai đạo” là 350 đồng cho một năm. Tôi hỏi tại sao tôi phải đóng thêm tiền “ngọai đạo” thì họ nói luật lệ như vậy đó. Tức quá tôi hỏi: vậy khi nhà thờ bán vé số và mở hội chợ gây quĩ có cấm người ngọai đạo tham gia không? Họ nín thinh không trả lời! Tôi nói tôi muốn gặp ông cha, nhưng họ không cho gặp. Thế rồi, tôi xách thằng nhỏ sang một nhà thờ công giáo khác, gặp một bà phước có chân trong chương trình dạy Việt ngữ. Họ cũng đòi hỏi tôi phải đóng thêm tiền ngọai đạo ngòai giá qui định bình thường. Tôi hỏi tại sao tôi phải đóng thêm tiền ngọai đạo ? Bà phước giải thích tiền đó “không gọi là tiền ngọai đạo”, mà là theo “luật lệ”, người nào không thuộc về giáo xứ thì phải đóng thêm khỏan tiền đó. Tôi nói tôi muốn gặp ông cha. Bà phước nói cha bận, nếu chị muốn gặp cha thì xin gọi điện thọai hẹn giờ đến gặp. Tức quá, tôi xách con tôi về, hỏi thăm người này người nọ thì biết được cũng có lớp Việt ngữ tổ chức ở chùa. Chạy đến chùa, thì nhà chùa nhận thằng nhỏ vô học liền. Tháng đóng 10 đồng khỏe re: 5 đồng cho bài vở, 5 đồng tiền điện nước ...”



5.- Anh chị K. là hai người trong số những người học lớp dưỡng sinh “Việt pháp công” tổ chức ngay tại chùa. Anh nói anh chị ấy đến trễ là vì vào sáng sớm hai anh chị dắt nhau đi nghe mục sư Tin Lành John Osteen của nhà thờ Lakewood Church giảng tại Convention Center. Anh K. nói:

- “Tôi và bà xã tôi theo đạo Phật, nhưng chúng tôi không mang đầu óc hẹp hòi. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều hay từ các tôn giáo khác. Chúng tôi thường xuyên theo dõi các bài giảng của các mục sư. Ông John Osteen là nhà giảng thuyết Tin Lành mà chúng tôi ưa thích. Ông đã biết đánh động thính giả bằng cách khơi dậy nơi họ khả năng đổi mới, thực hành thiện ích ngay tại gia đình mình, ở nơi đây và ngay lúc này. Chẳng hạn như ông ta đề cập đến chuyện hút thuốc lá. Nhiều người họ biết đấy là thói xấu có hại cho sức khỏe, nhưng họ quen hút thuốc lá là vì thân phụ họ hút, ông nội họ hút, cụ nội họ hút … Ông mục sư nói: nếu người hút thuốc lá không tự mình dứt bỏ việc hút thuốc lá, thì họ tiếp tục là kẻ “gieo nhân xấu” để con cháu và dòng giống của họ sau này cứ phải lãnh “hậu quả xấu” từ việc hút thuốc lá.”



6.- Vào cuối ngày, một Phật tử mời tôi thỉnh sách “Tâm Lý Đạo Đức” của Tỳ Kheo T.C.Q. xuất bản từ Việt Nam về đọc. Mang sách về nhà, tôi cắm đầu cắm cổ đọc một hơi, và dưới đây là vài trích đọan liên quan đến người công giáo trong sách này. Thày T.C.Q. nói:

- “Chúng ta hãy nhìn các tôn giáo bạn, trẻ vừa sinh ra là đã được nhà thờ làm lễ rửa tội để làm tín đồ dù đứa bé chưa biết gì. Lớn lên lập gia đình phải vào nhà thờ làm lễ, nghĩa là bảo đảm người hôn phối cũng phải theo đạo. Nếu lấy người ngòai đem về càng có công với Chúa. Vì thương chiều con cái họ cũng xuôi theo sự lựa chọn tình yêu của tuổi trẻ mà không hề có một điều kiện công bằng hơn cho truyền thống đạo giáo của gia đình…” (trang 18-19)

Tác giả đưa ra nhận xét về lối sống của hàng giáo sĩ công giáo:

- “… Ông Voltaire, người Pháp, đã từng phê bình những tu sĩ Thiên Chúa Giáo… Ông nói: “Vì tôn giáo mà cung điện đã được dựng lên cho giáo sĩ.” Ông không nói là nhà thờ mà gọi nơi thờ tự đó là cung điện. Chúng ta thường thấy, nhà thờ bên đạo Thiên Chúa rất lớn, rất cao, khuôn viên rộng mênh mông. Những giáo sĩ đạo Thiên Chúa sống trong những nhà thờ lớn như vậy nên ông cho rằng nhờ có danh nghĩa Thiên Chúa giáo mà những tu sĩ được ở trong cung điện, sa hoa hơn, sang trọng hơn, sung sướng hơn những người thường. Trong khi đó, đúng ra người tu hành phải sống bằng hoặc khổ hơn những người thường.” (Trang 327-328)

Tác giả dùng câu chuyện này để khuyên các tu sĩ Phật giáo không nên tích lũy tài sản:

- “Thiên Chúa Giáo có một vị Thánh tên là Don Bosco. Ông theo một dòng tu chuyên về giáo dục. Lúc ông đi tu, mẹ ông nói: Một ngày nào mà mẹ biết trong túi con có đến 10 franc thì mẹ không nhìn mặt con nữa.

Ông là người rất thương mẹ. Vì vậy, trong suốt thời gian tu hành, ông không bao giờ dám giữ tiền vì sợ mẹ biết, mẹ sẽ từ bỏ. Khi có tiền, ông liền mang cho người khác. Vậy mà tiền tiền cứ mỗi lúc một phát sinh. Ông càng lớn lên, đạo đức càng tăng trưởng. Vì một khi đã có hạnh bố thí thì các công hạnh khác cứ thế mở ra. Ông vốn chuyên về giáo dục nên thường đưa những đứa trẻ lang thang, hư hỏng về nuôi nấng, dạy dỗ. Công lao của ông rất lớn. Một lần ông có ý định xây một ngôi trường lớn để những đứa trẻ ấy có chỗ học hành đàng hòang. Tất nhiên đó mới chỉ là ý định thôi vì ông không có sẵn tiền. Điều kì lạ là ý định chỉ mới nảy sinh, ông đã được một người đưa đến một xe tiền. Đó chính là cái phước có được do sự tích cực bố thí của ông. Cứ thế, suốt cả cuộc đời lo cho chúng sinh và giáo dục cho mọi người những điều tốt đẹp, ông đã được phát thần thông. Ông có trực giác có thể đóan trước được nhiều việc. Sau này, con chiên đến xưng tội chỉ quỳ trước ông, chưa cần nói điều gì, ông đã biết tất cả. Khi ông qua đời, tòa thánh Vatican đã phong Thánh cho ông, mở thành dòng Don Bosco đến bây giờ. Như vậy, nhờ phước bố thí mà ông đã được thù thắng.” (Trang 176)

Tác giả còn đưa ra lời khuyên thật thú vị trong việc cầu nguyện:

- “Có hai cực đoan mà người tu chân chính phải tránh. Một là, cho tự sức mình là đủ, rồi đi đến chỗ chủ quan kiêu mạn; hai là lúc nào cũng cầu xin lệ thuộc vào thần thánh mà không biết nỗ lực tinh cần, rồi đi vào mê tín bạc nhược.”

Rồi tác giả đi đến giải pháp dung hòa: “trung đạo đúng nghĩa là vừa nỗ lực bản thân nhưng vẫn khiêm hạ nương nhờ công đức của Phật. Và trung đạo luôn luôn đem lại kết quả tốt đẹp… Người ngọai đạo cầu xin Thần Thánh để được hưởng quả , ví dụ như cầu được giàu sang, đỗ đạt, may mắn. Còn người đệ tử Phật cầu nguyện cho Phật gia hộ cho mình gieo nhân , ví dụ như cầu cho có cơ hội để giúp người, để đắp đường, để khuyên bảo người khó bảo. Đây là chỗ khác nhau giữa người tin Thần Thánh mà không tin nhân quả, với người tin Phật và tin nhân quả.” (Trang 64)



7.- Vào thời buổi văn minh tiến bộ này, vẫn còn có người công giáo mang thành kiến sai lầm về người khác đạo, và mang não trạng tự tôn mặc cảm! Lỗi ấy bởi ai? Do tổ chức và giáo dục sai lầm? Do thờ ơ thiếu hiểu biết về đạo? Do dửng dưng không biết đến những canh tân đổi mới sau Công đồng Vatican II ?



8.- Luật lệ được thiết lập để phục vụ con người một cách công bình và ngăn ngừa mọi trường hợp lạm dụng. Tổ chức lớp Việt ngữ là một sinh họat phục vụ nhân sinh, duy trì văn hóa Việt. Thứ tự ưu tiên dành cho con em của giáo dân trong danh sách những người đóng góp thường xuyên cho giáo xứ là điều hợp tình hợp lí theo lẽ công bình. Tuy nhiên, khi danh sách dành cho thứ tự ưu tiên đã hết, mà vẫn còn chỗ để nhận thêm con em của người không thuộc về giáo xứ, thì việc đòi hỏi đóng thêm tiền học là áp dụng luật lệ một cách máy móc, có lợi cho giáo xứ về tiền bạc, nhưng hết sức bất lợi cho việc truyền bá Tin Mừng!



9.- Ngôn sứ Mi-kha dạy: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quí yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mk 6:8).

Lời Chúa trong Thánh Kinh là lương thực và là kim chỉ nam cho tòan nhân lọai, không chỉ giới hạn cho một dân riêng hay cho một tôn giáo nào! Tập thể hay cá nhân lòai người, khi tuân hành theo tiếng lương tâm, theo hòan cảnh và điều kiện riêng, nếu đã chọn cho mình một vị thế, một con đường, một tôn giáo … và họ nghĩ rằng tôn giáo ấy đúng nhất, hay nhất, hòan hào nhất. Thiết tưởng khi khiêm tốn sống hết mình theo lời giảng dạy tốt lành của tôn giáo họ theo, mọi người sẽ qui về một mối vì chỉ có một Ông Trời, tòan thể nhân lọai sẽ biết sống hòa thuận yêu thương nhau, đang khi vẫn giữ được bản sắc dân tộc và tôn giáo của riêng mình như lời thày Mạnh Tử: “Quân tử hòa nhi bất đồng.”



10.- “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, yếu tố lôi cuốn thiên hạ có cảm tình với đạo, mến đạo và theo đạo không tựa trên các thành tích bên ngòai như cơ sở, đền đài, lăng tẩm, không tựa trên tổ chức và hệ thống triết lí giáo lí chặt chẽ, mà chính là tựa trên “Con Người”. Một giáo hội đầy quyền lực và giàu mạnh bề ngòai, thường có bộ mặt khó thương vì ngôn hành không hiệp nhất, khiến thế nhân không khẩu phục tâm phục, và sinh lòng ganh ghét tị hiềm. Một giáo hội biết tuân thủ sống theo lời giảng dạy của Đấng sáng lập, có các vị lãnh đạo và tín đồ giàu lòng vị tha bác ái, thì thiên hạ dễ có cảm tình và thích lại gần giáo hội đó. Vùng đất chung của mọi tôn giáo phải là “Yêu Thương”, và yếu tố đánh động và lôi cuốn thiên hạ có cảm tình với đạo, tìm đến với đạo, là chính lời nói và gương bày từ người có đạo.



11.- Thánh Thomas Aquinô đã dạy: “Mọi điều chân thật do bất cứ ai nói ra, đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần.” (Tổng Luận Thần Học I-II, q. 109).



12.- “Lạy Trời, xin dạy cho con biết lắng nghe, để con tìm gặp Ngài trong sứ mệnh gieo nhân giữa lòng nhân lọai. A-men”

Nguyễn Đông-Khê
Comments: Post a Comment

<< Trở Về Trang Chính - Home Page
Cám ơn quí vị, xin mời vào trang sau đây:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?